+Aa-
    Zalo

    Nghệ nhân ưu tú Lan Hương: Hành trình 20 năm “dành cả trái tim” cho áo dài Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từng hứng chịu sự hoài nghi về triển vọng của áo dài làm bằng lụa và thêu tay, Nghệ nhân ưu tú Lan Hương đã mạnh mẽ vượt lên tất cả để chứng minh khả năng sáng tạo cùng với việc gìn giữ truyền thống Việt Nam trên các tác phẩm của mình.

    Nghệ nhân ưu tú – nhà thiết kế (NTK) áo dài Lan Hương đã trải qua hơn 20 năm miệt mài và sáng tạo những trang phục áo dài kinh điển trên lụa Việt.

    Với những đóng góp, sáng tạo không ngừng nghỉ, năm 2014, NTK Lan Hương vinh dự được trao tặng danh hiệu nghệ nhân áo dài vì đóng góp trong việc đưa trang phục cổ truyền lên tầm cao trong thời hiện đại, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống áo dài Việt Nam. Đến năm 2020, chị được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì nhiều đóng góp trong việc giữ gìn phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. 

    Là người tiên phong thiết kế áo dài trên chất liệu lụa truyền thống của Việt Nam và những đường nét thêu tay từ năm 2003, tên tuổi của NTK Lan Hương không chỉ nổi danh ở Việt Nam mà còn trên các thị trường quốc tế. Gần đây nhất, trong tháng 12, NTK Lan Hương nhận lời mời của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đến tham dự Thai Silk Fashion Week 2022 ở Bangkok, cùng bộ sưu tập “Hành tinh phồn thịnh”.

    Nghệ nhân ưu tú Lan Hương đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí ĐS&PL để chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề chứa đựng tất cả tình yêu và đam mê của chị với tà áo dài Việt Nam.

    nghe nhan uu tu lan huong hanh trinh 20 nam danh ca trai tim cho ao dai viet nam1
    Nghệ nhân ưu tú – nhà thiết kế (NTK) áo dài Lan Hương.

    ĐSPL: Niềm đam mê với áo dài của NTK Lan Hương xuất phát từ khi nào? Công việc đầu tiên của chị có liên quan đến thiết kế áo dài không?

    NTK Lan Hương: Niềm đam mê với áo dài của Lan Hương xuất phát từ năm 2000, khi tôi lần đầu tiên nhận lời may bộ áo dài cho một bạn thí sinh dự thi hoa hậu. Đó là một cuộc thi hoa hậu sinh viên, bạn ấy đã được vào vòng chung kết và giành giải Á hậu 2. 

    Khoảng thời gian ấy, tôi nhận ra được rằng vẻ đẹp của giá trị truyền thống sẽ sống mãi trong lòng người yêu thời trang. Từ một chuyên gia trang điểm, một nhà thiết kế chuyên về trang phục dạ hội và váy cưới, Lan Hương đã chuyển hướng lựa chọn và nghiên cứu áo dài.

    ĐSPL: Khi mới vào nghề chị có gặp nhiều khó khăn không? Chị đã vượt qua giai đoạn đó bằng cách nào?

    NTK Lan Hương: Thuở mới vào nghề, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì vốn là một nhà thiết kế tay ngang, không được đào tạo chuyên nghiệp về thời trang cũng như không được đi học cắt, may một ngày nào. Chính vì vậy, cái khó khăn đầu tiên đối với tôi là khâu kỹ thuật để cắt, may và thiết kế áo dài. Hơn nữa, khi bắt tay vào làm áo dài, tôi đã nghiên cứu thị trường và nhận thấy rằng các đàn anh đàn chị đi trước đã sử dụng rất nhiều chất liệu như kết cườm, vẽ bằng acrylic, phủ nhũ, kết dính nhiều loài hoa, cả chất liệu thổ cẩm...

    Đó là quãng thời gian mà thị trường đang mở cửa, có rất nhiều chất liệu ngoại lai nhập vào Việt Nam, các NTK thường muốn làm những bộ áo dài phải thật khác biệt nên đã tạo ra rất nhiều kiểu dáng chất liệu để làm áo dài. Có thể nói khi đó, xu hướng thiết kế áo dài là phải thật thời trang và cải tiến.

    Tuy nhiên, tôi nhìn thấy được tiềm năng rất lớn là áo dài trên lụa và thêu tay. Ở thời điểm đó, hầu như tất cả các NTK đều quay lưng lại và không ai làm áo dài lụa thêu tay, thậm chí cả người tiêu dùng cũng không ai lựa chọn kiểu áo dài này. Trong khi đó, bản thân tôi lại mong muốn sẽ làm ra thật nhiều tấm áo dài trên lụa Việt và thêu tay thực sự đẹp, trẻ trung và đẳng cấp. Chính vì vậy, tôi đã quyết định con đường thời trang của mình là áo dài lụa và thêu tay trong khoảng năm 2003.

    Khi đã lựa chọn áo dài lụa và thêu tay để định danh cho dòng sản phẩm áo dài của Lan Hương thì tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, tất cả khách hàng đều không đồng ý mặc khi được tôi giới thiệu về những thiết kế của mình. Họ rất lo sợ áo dài làm bằng lụa và còn thêu tay thì không được trẻ trung, cổ hủ và không đẹp như mong muốn.

    Khó khăn thứ hai tôi gặp phải đó là khi đi tìm những người thợ để lập xưởng thêu các tác phẩm áo dài của mình, dường như các làng nghề giai đoạn đó đều bị mai một và người dân đã đi tìm những công việc khác. Họ quay lưng lại với chính nghề nghiệp được cha ông để lại. Cho đến khi nghe tôi trình bày về những ý tưởng của mình, họ đều rất ngạc nhiên và hoài nghi. Hầu như mọi người đều nói rằng: “Đồ thêu hiện giờ không ai còn sử dụng nữa, thêu ra liệu cô có bán được không? Nếu không bán được thì cô có tiền trả công cho chúng tôi không?”.

    Khi đến làng nghề dệt lụa cũng vậy, rất nhiều các khung dệt của làng lụa Vạn Phúc cũng như những làng lụa khác đều dỡ bỏ vì lúc đó, thị trường gần như đều quay lưng lại với các chất liệu truyền thống. Lúc đó, tôi đã rất may mắn khi được gia đình Nghệ nhân Triệu Văn Mão hỗ trợ và dệt cho những thước lụa đầu tiên, để tôi có thể ứng dụng và phô diễn những câu chuyện mong muốn kể trên lụa và hoạ tiết thêu tay.

    Theo thời gian, tôi cố gắng thuyết phục từng người khách bằng tất cả niềm đam mê, sự cống hiến và khát khao đưa ra một lời hứa với tất cả những người phụ nữ Hà Thành lúc đó rằng Lan Hương sẽ cho ra đời những chiếc áo dài lụa vừa trẻ trung, đẹp, hiện đại mà lại có giá trị rất cao về thẩm mỹ cũng như tinh thần.

    Sau 5 năm, dòng thương hiệu áo dài trên lụa thêu tay của tôi đã được định danh ở thị trường Hà Nội. Các chị em phụ nữ đã truyền tai nhau rằng có một nhà thiết kế rất trẻ đã tạo ra những tấm áo dài đặc biệt. Từ đó cho đến nay, qua một quá trình bền bỉ trên con đường mình đã chọn, tôi đã trở thành người tiên phong trong xu hướng thiết kế áo dài trên lụa và thêu tay. Cho đến bây giờ, mọi người có thể thấy dường như cả nước đã đi theo xu hướng mà tôi đã sáng tạo cách đây 20 năm cho áo dài Việt Nam.

    ĐSPL: Được biết, bộ sưu tập “Gấm xuân” là sản phẩm đầu tiên chị mang ra nước ngoài (Malaysia). Chị có thể kể lại kỷ niệm đáng nhớ khi thực hiện bộ sưu tập này?

    NTK Lan Hương: “Gấm xuân” là bộ sưu tập đầu tiên của tôi được bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch lựa chọn để cử đi trình diễn ở nước ngoài, với mục đích giới thiệu văn hoá Việt Nam trong chương trình ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia.

    Ngày đó, tôi đi cùng với hai cô model (người mẫu), cũng là hai thí sinh của các cuộc thi hoa hậu lúc bấy giờ, Dương Thuỳ Linh và Thu Hương. Sau này, hai bạn đều trở thành những biên tập viên, MC nổi tiếng. 

    Đáng nhớ nhất, bộ sưu tập thời trang của Lan Hương khi xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách mời trong khán phòng của chương trình. Lúc đó, các bạn biểu diễn múa, âm nhạc, độc tấu đều vô cùng buồn và nói rằng: “Tại sao mỗi khi áo dài của chị Lan Hương xuất hiện, khách mời đều hứng khởi đến như vậy?”.

    Khoảnh khắc đó khiến tôi nhận ra rằng, thời trang chính là một thể loại nghệ thuật phi ngôn ngữ khi chúng ta không cần phải nói một lời nào, chỉ cần qua những tạo hình, sáng tạo, ý tưởng của NTK thì người xem đều cảm nhận được văn hoá, cảm xúc và đời sống của mỗi một quốc gia khác nhau. Con đường đó cũng giúp tôi nhận ra chân ái của cuộc đời mình là sáng tạo thời trang, nhất là thời trang truyền thống và tôi cho rằng đó là một lựa chọn đúng đắn.

    ĐSPL: Theo chị, nét đặc trưng nào giúp cho áo dài Lan Hương nổi bật trên thị trường, sàn diễn cũng như thu hút sự yêu thích của khách hàng?

    NTK Lan Hương: Tôi đã tạo ra một dòng sản phẩm định danh được thương hiệu của riêng mình. Vị khách hàng nào từng gặp tôi và mặc những thiết kế của tôi, họ đều định danh rất rõ ràng về dòng sản phẩm áo dài Lan Hương. Khi nhìn thấy ai mặc những tấm áo dài đó, họ đều nhận ra rằng đây chính là áo dài của Lan Hương. Đó là một cách định danh rất khác biệt.

    Điều khiến cho khách hàng nhớ nhất về tôi có lẽ là: Mỗi tấm áo dài Lan Hương đều là một tác phẩm nghệ thuật. Đó là tất cả tâm huyết, tinh thần, tình yêu và đam mê của tôi cho từng chiếc áo dài.

    Trên chất liệu lụa và những đường nét phô diễn bằng thêu tay vô cùng đẹp, khi mặc đời thường thì khách hàng sẽ cảm nhận được sự trang trọng và lịch sự. Ở trên sân khấu, với những ý tưởng trên từng bộ sưu tập được ánh sáng phản chiếu thì các tác phẩm đó trở nên lung linh, huyền ảo hơn và có chiều sâu. Nó khiến cho người xem, yêu và chiêm nghiệm về thời trang đều rất thích thú. Có thể nói, trước đây, cứ nhìn thấy một tấm áo dài nào trên lụa và thêu tay với những nét đặc trưng của Lan Hương thì khách hàng đều nhận ra.

    Tôi cũng sáng tạo rất nhiều đặc điểm giúp cho áo dài trở nên thời thượng hơn, ví dụ như những đường tết trang trí trên cổ áo, nút vải được tết bằng tay đính ở cổ và sườn áo, cách tân phần tay hay những tạo hình mới lạ với tà trước, tà sau… Cho đến bây giờ, những sáng tạo của tôi đều được các NTK đưa vào sử dụng nhiều. Có lẽ điều đó cũng giúp tôi tạo nên những dòng sản phẩm đặc biệt, khiến nhiều người nhớ và nhận dạng Lan Hương ngay trên tác phẩm của mình.

    nghe nhan uu tu lan huong hanh trinh 20 nam danh ca trai tim cho ao dai viet nam2

    Thiết kế áo dài trong bộ sưu tập “Hành tinh phồn thịnh” của NTK Lan Hương.

    ĐSPL: Chị đánh giá thế nào về xu hướng áo dài hiện nay? Những thiết kế của chị có thường đi theo xu hướng không?

    NTK Lan Hương: Tôi là người không chấp nhận đi theo xu hướng mà lựa chọn tiên phong để tạo ra xu hướng. Trên thị trường hiện nay, tôi rất vui vì có nhiều bạn trẻ quan tâm đến công việc thiết kế áo dài, chính vì vậy, áo dài Việt Nam được phát triển rực rỡ như ngày hôm nay. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Tôi mong ước rằng áo dài Việt Nam sẽ được phát huy và bảo tồn bền lâu.

    Trong bối cảnh áo dài được phát triển thịnh vượng như giai đoạn này, điều tôi mong muốn ở các NTK là hãy tìm ra cho mình một con đường đi riêng, nét khác biệt để gìn giữ và tôn vinh giá trị của áo dài. Chúng ta không nên chạy theo xu hướng của ai đó đi trước, như vậy sẽ thiếu sự sáng tạo cũng như bản ngã của chính mình. Nếu như mỗi NTK đều có sáng tạo riêng, áo dài Việt Nam sẽ được phát triển bền vững và tốt hơn nữa. 

    ĐSPL: NTK Lan Hương từng nêu ý kiến cho rằng áo dài cách tân không phải trang phục truyền thống, tuy nhiên ở thời buổi ngày nay, rất nhiều bạn trẻ vẫn chuộng loại trang phục này và cho rằng nó mang nét đặc trưng giống như áo dài truyền thống Việt Nam? Chị thấy sao về việc này?

    NTK Lan Hương: Nhắc đến thời trang, mọi người thường nói đến sự sáng tạo và nền tảng để thúc đẩy cho sự sáng tạo. Do đó, áo dài cách tân cũng là một trong những khuynh huớng được các NTK đưa ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, làm sao cho tiện lợi, thoải mái và gần gũi hơn với cuộc sống.

    Tuy nhiên, tôi luôn bảo vệ quan điểm rằng các bạn có thể gọi tất cả những sáng tạo, thiết kế cách tân đó là gì cũng được nhưng không nên gọi nó là trang phục truyền thống, bởi trang phục truyền thống phải có những quy chuẩn riêng. Sự lẫn lộn thường gây ra hiểu lầm, nhất là với du khách quốc tế khi đến với Việt Nam. Nếu trình diễn áo dài cách tân và các NTK giới thiệu đó là trang phục truyền thống, rõ ràng điều đó sẽ mang đến hệ luỵ với những người yêu thời trang trên thế giới. Họ sẽ không biết đâu mới chính thức là trang phục truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, tôi luôn cho rằng các NTK có quyền cách tân, cải tiến hoặc sáng tạo áo dài nhưng khi đưa ra giới thiệu trước công chúng hoặc quảng bá ra thế giới thì cần cẩn trọng hơn trong việc đặt tên gọi cho những bộ sưu tập của mình.

    ĐSPL: Chị cảm nhận thế nào về sức hút của áo dài trong ngày Tết hiện nay? Đây có phải thời điểm bận rộn trong năm của chị không?

    NTK Lan Hương: Trước đây, dường như chỉ có 30-40% người phụ nữ trong xã hội sở hữu riêng cho mình một bộ áo dài. Tuy nhiên đến ngày nay, tôi thấy rằng những người phụ nữ Việt Nam ai cũng có áo dài mà không chỉ là một bộ, có người sở hữu đến trăm bộ, có người vài chục bộ và người thì ít nhất cũng có đôi ba bộ. Dấu hiệu này cho thấy một thời kì phát triển rực rỡ của trang phục truyền thống Việt Nam và có lẽ cũng chính là nhân duyên của tôi khi được là một NTK áo dài trong giai đoạn vô cùng tuyệt vời này.

    Công việc của tôi hầu như đều rất bận rộn quanh năm vì tôi đã có sẵn một dòng khách hàng quen thuộc, họ sử dụng sản phẩm của tôi xuyên suốt bốn mùa. Tôi là một trong những NTK không ôm đồm quá nhiều công việc bởi tôi chỉ nhận việc khi kiểm soát được quá trình sản xuất và hoàn thiện từng bộ trang phục cho khách hàng. Do đó, công việc của tôi diễn ra đều đều như vậy.

    Tuy nhiên đến những tháng mùa cưới, lễ Tết thì công việc sẽ bận rộn hơn nhưng với nguyên tắc của riêng mình, tôi sẽ không nhận quá nhiều hàng mà chỉ chuyên tâm để đưa ra cho khách hàng những sản phẩm kĩ lưỡng và hoàn hảo nhất về cả kỹ thuật và mỹ thuật.

    ĐSPL: Công việc của chị liên quan đến nghệ thuật và chắc hẳn sẽ không có thời gian làm việc cố định. Đặc biệt, tên tuổi của chị được biết đến ở cả trong nước và quốc tế, công việc bận rộn có ảnh hưởng đến thời gian của chị dành cho gia đình không? Chị làm thế nào để gìn giữ hạnh phúc của riêng mình?

    NTK Lan Hương: Tôi là điển hình của mô tuýp người phụ nữ truyền thống, sống hướng nội. Thực ra tôi rất may mắn khi có một người đồng hành từ khi còn thanh xuân, ông xã của tôi đã luôn ở cạnh và ủng hộ tất cả ước mơ cũng như niềm đam mê trong công việc của tôi.

    Vợ chồng tôi đã trải qua 30 năm bên nhau, hiện tôi đã lên chức bà nội. Những người con của tôi cũng đã trưởng thành và có cuộc sống riêng vô cùng tốt đẹp. Chính vì vậy, tôi nhận được rất nhiều tình yêu, sự quan tâm và ưu ái của tất cả các thành viên trong gia đình. Nhờ đó mà công việc của tôi cũng thuận lợi hơn khi ông xã luôn ủng hộ, các con luôn trân trọng, tôn thờ nếp sống và hình tượng của một người mẹ. Đó là điều tôi cảm thấy rất may mắn.

    nghe nhan uu tu lan huong hanh trinh 20 nam danh ca trai tim cho ao dai viet nam3

     NTK Lan Hương và ông xã Hoàng Hiệu.

    Tôi luôn ý thức rằng phải mang lại nhiều niềm hạnh phúc và nguồn năng lượng tốt lành cho những người thân yêu của mình. Tôi là mẫu phụ nữ sống thuận tự nhiên, an nhiên, không chịu áp lực về công việc và không bao giờ đặt ra mục tiêu cho danh tiếng, sự nghiệp. Tất cả những việc tôi làm xuất phát từ trái tim, niềm đam mê cháy bỏng và chỉ có khát khao làm sao công việc của mình được tốt nhất.

    Lý do tôi được rất nhiều người yêu thương đến như vậy là vì tôi thiết kế những tấm áo dài cho khách hàng bằng tất cả tình yêu và năng lượng phước lành. Chính vì thế, mỗi tấm áo dài Lan Hương khi ra đời đều mang một tinh thần rất lớn, với các nét vẽ sống động vì đó chính là điều tôi muốn trao đến cuộc đời và những người đã yêu thương mình. 

    Bích Thảo

    Ảnh: NVCC

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-nhan-uu-tu-lan-huong-hanh-trinh-20-nam-danh-ca-trai-tim-cho-ao-dai-viet-nam-a563946.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Một đời say duyên thầm áo dài

    Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Một đời say duyên thầm áo dài

    Ở tuổi 60, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu Lê Sĩ Hoàng đã chuẩn bị tâm thế cho chặng cuối của sự nghiệp và chuẩn bị “về hưu”. Thương hiệu thời trang áo dài do ông xây dựng hơn 30 năm qua cũng sẽ được trao truyền cho học trò.