(ĐSPL) - Mặc dù chợ Hôm, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) được đầu tư hoàn toàn từ nguồn vốn nước ngoài, xã là đơn vị hưởng lợi – chìa khóa trao tay để quản lý và sử dụng. Thế nhưng, tiểu thương nơi đây vẫn phải đóng một khoản tiền lớn cho xã mà họ cho rằng trái quy định.
Tận thu phí chợ...
Nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa ngày càng lớn giữa các hộ kinh doanh và ổn định sinh hoạt cho nhân dân, cuối năm 2010, chợ Hôm được khởi công xây dựng mới với tổng mức đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng từ 100\% nguồn vốn nước ngoài.
Tháng 6/2011, chợ Hôm khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Xã Hợp Thành, huyện Yên Thành tiếp nhận quản lý, sử dụng và khai thác với 64 ốt, 1 đình phục vụ cho tổng số gần 450 hộ kinh doanh.
Cổng chợ Hôm xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) |
Để được kinh doanh ở chợ, mỗi tiểu thương phải đóng phí 25.000 đồng (phí bảo vệ, vệ sinh); đối với tiểu thương bán hàng trong ki - ốt, phải đóng thêm cho xã từ 9 – 11 triệu đồng; những tiểu thương bán hàng ở đình và lều, phải đóng phí 6 – 9 triệu đồng. Tất cả các hộ kinh doanh ổn định trên đều thực hiện thu phí 1 lần với tổng thời gian hợp đồng 3 năm. Riêng tiểu thương kinh doanh ngoài trời không ổn định, ban quản lý chợ thu phí theo ngày.
Nghĩ rằng việc thu phí để nhằm mục đích đầu tư, tu sửa chợ nên các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm chỉnh theo hợp đồng do xã đề ra. Thế nhưng, sau 3 năm hoạt động, việc đầu tư, sửa chữa chẳng thấy đâu mà thay vào đó các tiểu thương vẫn phải tự làm cửa, kê nền, lắp bóng điện... Không những thế, sử dụng được mấy ngày, dàn bóng điện ở đình cũng bị ban quản lý chợ tháo dỡ một cách vô cớ...
Các tiểu thương bất bình trước việc UBND xã thu phí chợ cao |
Đến thời hạn hết hợp đồng, tháng 7/2014, UBND xã Hợp Thành tiếp tục thu phí với mức giá như đã thu năm 2011 và cùng thời hạn 3 năm. Bức xúc về việc tiếp tục thu phí cao, nhiều hộ kinh doanh đã làm đơn kiến nghị giảm thu phí chợ lên UBND xã nhưng đều không được chấp nhận. Trái lại, UBND xã còn “ép” các hộ kinh doanh phải nạp phí chợ “theo hình thức tự nguyện” do xã quy định.
Thu phí chợ để xây dựng các công trình khác?
Việc thu phí chợ cao của UBND xã Hợp Thành đã gây ra nhiều bức xúc cho các hộ kinh doanh. Nhiều cuộc họp, đối thoại với các hộ kinh doanh ở chợ do xã chủ trì đều bất thành. Những yêu cầu chính đáng của tiểu thương đưa ra nhằm giảm bớt phí chợ cũng không được đáp ứng.
Chị Nguyễn Thị Liên (SN 1954) ở xóm 9, xã Hợp Thành bức xúc cho biết: “Chúng tôi là những người kinh doanh và gắn bó lâu năm với chợ này. 3 năm trước tôi phải vay tín dụng để nạp tiền cho xã, trải qua bao năm không phải tu sửa giờ lại bắt chúng tôi phải tiếp tục nạp phí chợ cao như vậy thì làm sao chúng tôi kinh doanh ở đây được”.
Biên lai thu phí chợ của chị Trịnh Thị Dũng năm 2011 |
Không để việc kinh doanh ở chợ bị ngắt quãng, một số tiểu thương ở chợ Hôm đành phải “cắn rắng” chịu đựng sự thu phí cao do xã đưa ra. Chị Trịnh Thị Dũng nghẹn ngào nói: “Năm 2011, tôi phải nạp 9,5 triệu đồng cho xã để được kinh doanh ở ki - ốt này. Năm nay, xã lại tiếp tục thu 9 triệu đồng trong thời hạn 3 năm. Thời buổi kinh tế khó khăn, hàng hóa ế ẩm, xã không ưu ái hạ thấp phí chợ thì thôi, đằng này còn thu phí chúng tôi cao ngang với chợ thành phố”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành chia sẻ: “Việc thu phí chợ với giá như vậy là theo quy định của tỉnh, theo loại chợ và đặc thù chợ?. Qua 3 năm, chúng tôi đã đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng thêm lều, tu sửa, san lấp mặt bằng... ”.
Khi PV hỏi về việc số tiền hàng tỷ đồng còn lại được sử dụng như thế nào thì ông Lý cho hay: “Số tiền còn lại được đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội!?”.
Phí “tự nguyện” thành “bắt buộc”!
Các cuộc đối thoại, họp bàn dân chủ, công khai chưa đi đến thống nhất nhưng UBND xã Hợp Thành vẫn kiên quyết đưa mức thu phí chợ và “ép” các tiểu thương ở đây phải thực hiện. Dù rằng trên hợp đồng và biên lai thu tiền với danh nghĩa nộp “tự nguyện” nhưng UBND xã lại đưa ra một cái giá sàn chung cho các hộ kinh doanh ở cùng vị trí và diện tích như nhau.
Với mức thu phí chợ quá cao do UBND xã đưa ra, nhiều tiểu thương tỏ ra bức xúc và viết đơn tập thể gửi lên UBND huyện Yên Thành kiến nghị giảm phí chợ. Trong lúc đang chờ UBND huyện giải quyết, ngày 13/8/2014, UBND xã Hợp Thành đã tổ chức huy động lực lượng tiến hành cưỡng chế một số tiểu thương chưa nộp phí chợ.
Chị Phạm Thị Hường, chủ ki - ốt số 30 đang thu don đồ khi bị cưỡng chế |
Chị Phạm Thị Hường (SN 1970), xã Phú Thành (Yên Thành), dãy DA2, chủ ki - ốt số 30 cho biết: “Khoảng 9h sáng 13/8, bất ngờ lực lượng chức năng đến ki - ốt của tôi đọc lệnh cưỡng chế. Sau đó, đưa tất cả hàng hóa của tôi ra ngoài đường và họ khóa cửa ki - ốt lại rồi bỏ đi”.
Cũng tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Qúy, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu (Nghệ An) kinh doanh ở ki - ốt số 39, dãy DA2 cũng bị UBND xã Hợp Thành thu ốt, đóng cửa không cho kinh doanh.
Việc thu phí chợ quá cao và trái quy định của UBND xã Hợp Thành đang tạo ra làn sóng dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có chính sách ưu đãi, hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh ổn định, tránh những dư luận xấu, khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.