+Aa-
    Zalo

    Ngày 20/11: Gặp những người thầy không muốn có học trò

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có những ngôi trường mà trong mỗi lớp học, một trăm phần trăm học sinh đều là những học sinh cá biệt.

    Có những ngôi trường mà trong mỗi lớp học, một trăm phần trăm học sinh đều là những học sinh cá biệt. Đó là các trường giáo dưỡng dành cho các em ở lứa tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật được dạy dỗ bởi những người thầy người cô mang sắc phục CAND. 
    Tại một buổi học văn hóa  của lớp 9 trường giáo dưỡng số 3 – Bộ Công an đóng tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, những cô cậu học trò có mặt ở đây vì những lí do khác nhau: gây rối trật tự, trộm cắp, cướp tài sản,... Bởi vậy, với cô giáo Đặng Thị Hải Vân cũng như  tất cả các thầy cô ở đây, việc tạo được ý thức học tập cho những học trò với những tính cách cá biệt này là khó khăn không hề nhỏ, chưa kể khoảng thời lêu lỏng đã làm các em mai một rất nhiều kiến thức.
    (ANTV) Những người thầy không muốn có học trò
     Một lớp học ở trường giáo dưỡng số 3 – Bộ Công an
    Đại úy Đặng Thị Hải Vân - giáo viên trường Giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an chia sẻ: "Trong một lớp học mà có 1 - 2 học sinh cá biệt là mình đã thấy vất vả rồi nhưng chúng tôi chủ nhiệm lớp, đứng lớp 20 -30 em một lớp thì ở đây 20 - 30 em đều là học sinh cá biệt. Trong học sinh cá biệt đó thì có những em cá biệt của cá biệt nữa, các em phần lớn đều rất là ngang bướng, lì lợm, ít nghe, ít vâng lời do đó việc giáo dục cũng cần có thời gian. Có nhiều em thì có hoàn cảnh gia đình, bố mẹ bỏ nhau chẳng hạn, thậm chí có một số em bố hoặc mẹ là đi tù, gây cho các em tâm lý tự ti."
    (ANTV) Những người thầy không muốn có học trò
    Đại úy Đặng Thị Hải Vân
    Để dạy những cô cậu học này, các thầy cô giáo phải có sự kiên nhẫn, nhạy bén nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý, nhưng quan trọng hơn cả là tình yêu thương để lắng nghe, chia sẻ với các em. Rất nhiều em khi mới vào đã tìm cách trốn trường hoặc bi quan chán nản vì cho rằng đây là con đường cụt, là ngõ cụt cuộc đời. Chính sự động viên của thầy cô đã giúp các em trở nên  lạc quan hơn để yên tâm học tập, tu dưỡng. Và tình cảm thầy trò ở ngôi trường này trở thành những kí ức đẹp trong cuộc đời các em.
     Em Trần Xuân Trưởng - Học viên trường Giáo dưỡng số 3 - Bộ Công An chia sẻ: "Đặc biệt nhất với em là kỉ niệm ngay từ đầu vào trường các thầy cô đã giúp cho em hòa nhập với các bạn và thầy cô dạy văn hóa, truyền đạt kiến thức cho em để em nhận được những kiến thức em đã bỏ quên ngoài đời."
     Em Đặng Hiếu Kiên- Học viên trường Giáo dưỡng số 3 - Bộ Công An: "Những lần em vấp ngã, gặp khó khăn và bất chấp muốn rời khỏi trường bằng cách phạm nội qui của trường dẫn đến có những hành vi xấu, cô giáo chủ nhiệm đã nhận riêng em để hướng dẫn, chỉ bảo và khuyên em những lời để em có thể yên tâm học hành đến thời hạn."
     Hiện tại trường giáo dưỡng số 3 tại Đà Nẵng có 224 em, ngoài những giờ học văn hóa, các em được học nghề hoặc được hướng dẫn vào các đội sản xuất, để từ đó có ý thức lao động hoặc kiếm được một công việc sau khi ra trường.
    Đại úy Huỳnh Ngọc Linh- Phó hiệu trưởng trường Giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an chia sẻ: "Với cương vị là những người thầy cô giáo thì cũng mong muốn bằng tấm lòng của mình tạo được những gì tốt nhất cho các em. Nhưng với cương vị là chiến sĩ công an nhân dân chúng tôi không hề mong muốn các em phải vào trường giáo dưỡng."
    (ANTV) Những người thầy không muốn có học trò
    Đại úy Huỳnh Ngọc Linh
    Là những thầy cô giáo tận tâm, yêu nghề nhưng lại mong muốn ngày càng ít đi những học trò phải vào trường, thêm một điều tưởng chừng lạ nữa, là những thầy cô ở các trường giáo dưỡng dường như chưa năm nào được nhận hoa hay quà của các trò nhân ngày nhà giáo Việt Nam bởi những hoàn cảnh đặc biệt của các em. Thế nhưng với họ món quà và niềm vui lớn lao mà học trò mang lại chính là sự thay đổi trong nhận thức, sự tiến bộ, trưởng thành của các em.   
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-2011-gap-nhung-nguoi-thay-khong-muon-co-hoc-tro-a70019.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan