Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Phú Thọ, với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh…các cấp giáo dục và đào tạo có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.Để hoàn thành trọng trách này, trong những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã chủ trương xây dựng mô hình trường đạt chuẩn Quốc gia nhằm nâng cao công tác tổ chức và quản lý nhà trường; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đảm bảo về số lượng, chất lượng; tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, cải thiện môi trường sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập; tổ chức dạy học đảm bảo đi vào thực chất, từng bước đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT, đã tạo ra một diện mạo mới cho các cơ sở giáo dục, chất lượng giáo dục từ đó cũng được nâng lên. Thực hiện chương trình xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, Phú Thọ đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án trong đó phải kể đến Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ tặng Bằng khen cho giáo viên bồi dưỡng học sinh đạt giải olympic |
Năm học 2019-2020, tỉnh Phú Thọ có 46 trường cấp trung học phổ thông, với 975 lớp, 39072 học sinh (tăng 16 lớp và 1.316 học sinh so với cùng kỳ năm trước). Sỹ số các lớp không quá 45 học sinh, đảm bảo theo quy định tại Điều lệ trường trung học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục được phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, tổ chức các hoạt động dạy học. Năm học 2019-2020, cấp THPT có 157 cán bộ quản lý và 2194 giáo viên, cơ bản các giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó 14% có trình độ đào tạo trên chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông; ngoài những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thường xuyên các năm học, từ năm học 2020-2021, Sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục trên phạm vi toàn tỉnh với yêu cầu dạy thật, học thật, chất lượng thật. Trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh; rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Toàn ngành tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện có hiệu quả chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Từ đó, Sở GD&ĐT đã đề ra những giải pháp quyết liệt thực hiện trong toàn tỉnh. Tại các trường phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống của giáo viên, học sinh. Tập trung khắc phục, chấm dứt tình trạng bạo lực học đường. Khuyến khích tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; các hội thi năng khiếu (trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, phụ huynh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và nội dung học tập của học sinh trung học). Các hoạt động đó góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện; giúp học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội.
Xã hội hoá giáo dục tạo môi trường thuận lợi trong dạy và học |
Thực hiện Công văn số 4612/SGDĐT-GDTrH ngày 01/7/2017 của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018, ngay từ đầu năm học các trường THPT đã chủ động điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên đã chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành; điều chỉnh nội dung dạy học để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin lạc hậu; không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông.
Giáo viên căn cứ vào chương trình hiện hành, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa, lựa chọn những nội dung thích hợp thiết kế lại thành một số bài học theo chủ đề đơn môn, liên môn; tích hợp nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật,...vào các môn học và hoạt động giáo dục. Từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học cho các môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường. Để nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ quản lý và giáo viên, phát huy tối đa tính tích cực của học sinh, các đơn vị có thẩm quyền giao biên chế bố trí đủ giáo viên giảng dạy ở các cơ sở giáo dục; sắp xếp đội ngũ bảo đảm cân đối về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu. Toàn ngành thực hiện nghiêm túc việc đánh giá công chức, viên chức hàng năm học, trong đó lấy chất lượng dạy-học làm căn cứ quan trọng trong đánh giá, phân loại. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị trường học cho đội ngũ cán bộ quản lý; ưu tiên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhất là phương pháp dạy học cho đội ngũ giáo viên, tạo môi trường thân thiện giữa thầy và trò, giữa trò với trò.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần nâng cao trình độ công nghệ thông tin, năng lực sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; trong mỗi năm học đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi tại các trường để tạo ra phong trào thi đua giữa các giáo viên, tổ, nhóm chuyên môn phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của mỗi đơn vị; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc việc giao chỉ tiêu chất lượng giáo dục gắn với việc đánh giá thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao: từng năm học, Sở GD&ĐT giao chỉ tiêu chất lượng cho các đơn vị trực thuộc và các Phòng GD&ĐT; tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng đầu cấp THCS, THPT; có phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT phù hợp để làm căn cứ đánh giá chất lượng đầu vào bậc THPT... Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT, điểm thi THPT quốc gia, điểm kiểm tra học kỳ, kết quả xếp loại học tập của học sinh là một trong các tiêu chí để xét danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân...Năm học vừa qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,9%; đứng thứ 13 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, đứng thứ 2 toàn quốc về số điểm 10. Với những kết quả đã đạt được trong suốt thời gian qua mong rằng trong những năm tiếp thep cấp học Trung học Phổ thông nói riêng và toàn ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ nói chung sẽ gặt hái được nhiều thành tích cao hơn nữa.
Từ năm 2020, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần... từ đó, đặt ra những yêu cầu cao hơn về tổ chức, quản lý; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; xã hội hóa giáo dục... Đây cũng là tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia. Trong dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 5 về trường học đã có sự điều chỉnh. Theo đó, tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. Đề án này được xem là một giải pháp để ngành GD&ĐT phấn đấu đạt tiêu chí 5, hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Phú Thọ cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh hoàn thành kế hoạch mục tiêu đề ra.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngành GD&ĐT đang xây dựng những giải pháp để xây dựng trường đạt chuẩn quốc giai đoạn 2021 - 2025. Với mục tiêu của ngành GD&ĐT tỉnh là tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; từng bước thực hiện theo các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia đối với tất cả các đơn vị trường học nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng trường học; đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất. Đồng thời tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thiết thực, hiệu quả tại tất cả các trường học; triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục…Với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 -2020 và đặt ra mục tiêu, đưa ra giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, đây sẽ là "chìa khóa” để Phú Thọ tiếp tục nâng cao chất lượng GD&ĐT toàn diện.
Minh Thu