(ĐSPL) – Tính đến 15h hôm 15/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đã tổ chức chuyển tải hơn 1.000 hành khách ra khỏi khu vực lũ lụt, đảm bảo an toàn.
Tờ Lao Động Thủ Đô dẫn tin Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, mưa lũ gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM đoạn qua Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tại Km 405+500 - km 406+200 nước tràn qua đường sắt, chảy xiết, gây xói lở nền đường, phải phong tỏa khu gian La Khê - Tân Ấp từ 19 giờ ngày 14.10. Đường ga số 1 Tân Ấp nền đường bị xói sâu 30 cm, dài 6 m.
Nhiều đoạn tuyến buộc phải phong tỏa từ tối hôm 14/10 như: Đồng Chuối - Kim Lũ; đoạn Kim Lũ - Đồng Đê, Ngọc Lâm - Lạc Sơn do nước sông Gianh dâng cao, nước ngầm trong sườn núi chảy qua làm sạt lở mái taluy…
Nước tràn qua đường sắt, chảy xiết xói lở nền đường - Ảnh: Lao Động Thủ Đô. |
Hôm 15/10, nhiều đoạn tuyến cũng tiếp tục bị phong tỏa như đường số 1 và số 3 ga La Khê nước ngập trên đỉnh ray 300 mm phải cấm tàu, chỉ khai thác trên đường chính tuyến số 2… Tại Km 389+000 - km 389+800, nước ngập trôi nền đá, nền đường bị xói trôi (chỗ sâu nhất lên tới 1,0 m).
Theo VietNamPlus, “các đoàn tàu hàng sẽ tiếp tục hành trình khi thông đường qua khu đoạn. Hiện Tổng công ty vẫn tiếp tục tổ chức bán vé phục vụ hành khách theo kế hoạch,” lãnh đạo ngành đường sắt cho biết.
Bên cạnh đó, sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, ách tắc trên tuyến, các lãnh đạo cấp cao Tổng công ty đường sắt đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị trong khu vực tập trung vật tư, nhân lực, phối hợp tổ chức vận chuyển vật tư, thiết bị và công tác cứu chữa. Điều động hàng trăm công nhân tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố và theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao; điều động nhân lực, máy móc thiết bị từ các đơn vị lận cận (Hà Ninh, Thanh Hóa, Bình Trị Thiên...) tham gia khắc phục hậu qủa bão lũ.
Các Công ty Cổ phần vận tải đường sắt chuẩn bị lương thực thực phẩm để phục vụ ăn uống cho hành khách trên tàu; Lập phương án chuyển tải hành khách khi điều kiện cho phép; các Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế phối hợp với các Chi nhánh vận tải đường sắt, các tổ tàu và đề nghị chính quyền địa phương phối hợp trong việc bảo vệ, bảo đảm trật tự an toàn cho hành khách tại các vị trí phải dừng tàu.
Trước đó từ ngày 12 – 14/10, đường sắt đã phải dừng chạy 22 đoàn tàu do mưa lũ gây sạt lở ảnh hưởng đến an toàn.
GIA BẢO(Tổng hợp)
Nguồn: Người Đưa Tin
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]oH9gn7uVlI[/mecloud]