(ĐSPL)- Hình ảnh những đoàn người xếp hàng dài, chen chúc nhau trước cổng trụ sở cục Thuế Hà Nội đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những ai thường xuyên đi qua tuyến đường Giảng Võ (Hà Nội) trong vài ngày qua.
Người dân ngạc nhiên không hiểu, tại sao công việc này lại có sức hút ghê gớm đến nỗi khiến cho hàng nghìn người đội mưa, nắng, nhịn ăn... để tới đây nộp hồ sơ xin thi tuyển.
Tìm cơ hội hay toan tính kim tiền?
Thông tin cục Thuế Hà Nội (Tổng cục Thuế) tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển không hiểu lan truyền thế nào mà chỉ trong vài ngày qua, hàng nghìn người đã kéo tới trụ sở cơ quan để được nộp hồ sơ thi tuyển. Do cục Thuế Hà Nội không nhận hồ sơ qua đường bưu điện mà yêu cầu thí sinh phải đến nộp trực tiếp, nên mấy ngày qua mới xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn và khung cảnh náo nhiệt chẳng khác gì đi trẩy hội. Mặc dù thời gian nhận hồ sơ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 11-15/8) nhưng gần như ngày nào cơ quan này cũng diễn ra tình trạng quá tải.
Có mặt trước cổng trụ sở cục Thuế Hà Nội vào lúc 10h sáng ngày 13/8 trong cảnh trời mưa tầm tã, PV báo Đời sống và Pháp luật vẫn ghi nhận không khí náo nhiệt thường thấy giống như mấy ngày trước đó. Cảnh người người mặc áo mưa, che ô kiên nhẫn chờ tới lượt lấy phiếu để vào nộp hồ sơ (do quá đông nên cục Thuế Hà Nội phải phát vé và chia lịch vào nộp hồ sơ để tránh tình trạng quá tải) khiến nhiều người vừa tò mò vừa suy ngẫm. Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1986, cựu sinh viên học viện Tài chính, quê Hưng Yên) cho biết: "Cục Thuế Hà Nội mấy năm mới tổ chức thi tuyển một lần và mỗi lần đều tuyển nhiều chỉ tiêu và vị trí nên mới có chuyện người người tới nộp hồ sơ như thế này. Theo thông tin tôi biết thì năm nay, Cục sẽ tuyển 230 chỉ tiêu chuyên viên thuế nên tôi cũng muốn thử sức”.
Trong khi đó, trước câu hỏi liệu có tình trạng "quân xanh quân đỏ" trong việc thi tuyển công chức lần này hay không, chị Hoàng Thị Giang (SN 1989, cựu sinh viên học viện Tài chính, quê Bắc Giang) cho hay: "Tôi nghĩ là có tình trạng đi cửa sau nhưng do thi tuyển công khai nên phần trăm cho những người như chúng tôi vẫn còn. Tuy cơ hội không nhiều nhưng tôi cũng muốn thử sức xem thế nào".
Mặc dù về định hướng công việc, ai cũng kêu làm việc trong ngành thuế là vất vả, khó khăn, chịu nhiều áp lực. Thế nhưng thực tế số người tới xin tham gia dự tuyển lần này lại phản ánh thực trạng hoàn toàn đối lập. Chen chân trong số người chờ lấy phiếu để nộp hồ sơ dự tuyển, PV báo Đời sống và Pháp luật bám sát một người đi ứng tuyển, phải đợi rất lâu người này mới lấy được tấm phiếu. Nhìn tấm phiếu ghi số đến lượt là 4121 mà chúng tôi thấy giật mình. Theo số thứ tự ghi trên phiếu thì phải chiều ngày 14/8, người này mới được nộp hồ sơ, trong khi đó, số người đằng sau xếp hàng vẫn còn rất dài. Thông tin mà một người tới nộp hồ sơ cho biết, năm nay cục Thuế Hà Nội tuyển cả những người vừa tốt nghiệp đại học mà không cần bằng đại học ngay. Người đến dự tuyển chỉ cần trình giấy chứng nhận tốt nghiệp là đã có cơ hội. Có thể vì lý do này mà số người đến nộp hồ sơ mới tăng đột biến.
|
Hình ảnh người người đội mưa xếp hàng nộp hồ sơ vào cục Thuế Hà Nội ngày 13/8. |
“Chuyện này, chuyện nọ...”
Trong khi người người chen chân nộp hồ sơ với mong muốn có thể trở thành nhân viên của ngành thuế thì ngược lại, tại Quảng Ngãi, mới đây 35 bác sỹ đồng loạt xin nghỉ việc tại bệnh viện công. Nguyên nhân chủ yếu được các bác sỹ đưa ra là thu nhập còn thấp, chưa tương xứng với trình độ và sự cống hiến, áp lực công việc... Hầu hết các bác sỹ bỏ việc đều đến làm việc ở các bệnh viện ngoài công lập tại TP. HCM, Đà Nẵng và bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Thế nhưng, những bác sỹ mang khát vọng "đổi đời" đó đều lấy lý do "không đủ sức khỏe để công tác, nghỉ để chăm lo mẹ già" để có thể "dứt áo ra đi" khỏi những bệnh viện công. So sánh hai sự việc này với nhau, chúng ta không thể không chạnh lòng ngán ngẩm. Nhiều người thắc mắc tự hỏi, liệu trong các cơ quan nhà nước có sự phân cấp ngành "hot", ngành dễ kiếm tiền hay không?
Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Tâm lý người đi xin việc hiện nay ai cũng muốn xin vào một cơ quan Nhà nước có liên quan tới kinh tế, tiền bạc. Chắc vào trong đó họ phải đạt được một cái gì rất hấp dẫn thì mới có chuyện đổ xô đi nộp hồ sơ chứ. Đây là một thực tế không thể chối cãi. Hiện nay, ngân sách của chúng ta chủ yếu vẫn thu từ thuế. Mỗi năm tổng số ngân sách là một số tiền khổng lồ. Chính vì vậy, tâm lý muốn được vào những cơ quan như thế này để làm "chuyện này, chuyện nọ" cũng thường thôi. Việc này ai cũng hiểu nhưng nói ra lại không có chứng cứ cụ thể nên cũng khó".
Ông Thuận cũng cho biết, chúng ta cần phải phân biệt rõ thế nào là lương và thế nào là thu nhập. Lương được hiểu như là thu nhập thông qua từng bậc lương khác nhau. Còn thu nhập được hiểu là những thứ không phải lương. Vấn đề đặt ra là, một xã hội không thể quản lý được hai vấn đề thu nhập và lương thì lỗi thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.
Người ta tự hỏi tại sao có những người giàu lên một cách không bình thường. Bởi vì, từ thực tế lương trong cơ quan Nhà nước thấp như hiện nay thì tất yếu sinh ra chuyện phải tìm kiếm thu nhập ngoài lương. Chỗ dễ kiếm nguồn thu ngoài lương nhất là chỗ có nhiều tiền, nhiều bạc nhất, nhiều giao dịch nhất. Xã hội hiện nay khiến cho người ta mất niềm tin và hình thành một tư tưởng rằng, có cơ hội là "vơ vét". Chúng ta không thể quản lý tốt chuyện này và nếu phát hiện ra sai phạm thì hình thức xử lý cũng chẳng đâu vào đâu. Vậy thì người ta còn sợ cái gì nữa? Từ những thực tế trên mà những kẻ cơ hội luôn có quan niệm cứ nhào vào những chỗ lắm tiền để làm việc rồi tìm cách vơ vét. Ai cũng có tâm lý như vậy bởi họ nhìn thấy diễn biến của xã hội đang diễn theo chiều hướng có lợi cho những kẻ cơ hội. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho người xin việc đổ xô đi nộp hồ sơ vào một cơ quan mà phải tự hỏi điều gì khiến họ có những hành động như thế? Đó mới là vấn đề quan trọng.
Dịch vụ ăn theo "lên ngôi"
Số người đến nộp hồ sơ tăng đột biến trong vòng mấy ngày nhận hồ sơ của cục Thuế Hà Nội đã tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội ăn theo, đặc biệt là các dịch vụ trông giữ xe. Theo khảo sát của PV báo Đời sống và Pháp luật thì chủ yếu vẫn là dịch vụ trông xe máy. Giá phổ thông dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/xe/lượt. Không những vậy, số lượng người chen nhau gửi xe đã khiến cho đoạn đường Giảng Võ luôn trong tình trạng dồn ứ, ùn tắc kéo dài.
Hàng ngàn người chen lấn nộp hồ sơ dự tuyển vào cục Thuế Hải Phòng Sáng 14/8, hàng ngàn người đã xếp hàng trước cục Thuế Hải Phòng để nộp hồ sơ dự tuyển công chức. Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng tổ chức cục Thuế Hải Phòng cho biết, do số lượng người về nộp hồ sơ quá đông, dù cục Thuế đã huy động cả phòng tổ chức, phòng hành chính, phòng tin học với trên 30 người nhưng vẫn không thể giải quyết kịp. Theo bà Nga, chỉ tiêu tuyển công chức của cục Thuế Hải Phòng năm 2014 là 90, nhưng sau gần bốn ngày cơ quan này đã tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ. Ngay ngày đầu tiên, chỉ trong vòng hơn một tiếng đã có trên 200 hồ sơ, khiến bộ phận tiếp nhận hồ sơ rất lúng túng trong giải quyết. Do số lượng hồ sơ nộp quá đông, cán bộ không giải quyết kịp nên cục đã phải khống chế, chỉ phát 50 phiếu/buổi để cán bộ còn đủ thời gian xử lý, xem xét các hồ sơ. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-nguoi-doi-mua-thi-cuc-thue-tim-co-hoi-hay-tinh-kiem-tien-a47169.html