+Aa-
    Zalo

    Ngân hàng PGBank chính thức có 3 tân cổ đông lớn

    (ĐS&PL) - 3 doanh nghiệp mua lại gần 40% vốn điều lệ của PGBank từ Petrolimex chính thức trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này.

    Theo thông tin trên tạp chí Mekong Asean, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank – UPCoM: PGB) ngày 11/9 đã công bố các báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức.

    ngan hang pgbank chinh thuc co 3 tan co dong lon
    Ngân hàng PGBank chính thức có 3 tân cổ đông lớn.

    Cụ thể, Gia Linh đã mua vào 39,3 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,099% cổ phần có quyền biểu quyết tại PGBank. Trong khi đó, Cường Phát và Vũ Anh Đức lần lượt nhận chuyển nhượng 40,6 triệu và 40 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,541% và 13,359% vốn điều lệ nhà băng này.

    Ngày thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn tại PGBank của 3 doanh nghiệp là 31/8/2023.

    Cả 3 doanh nghiệp nói trên là các nhà đầu tư tổ chức mua về 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Số tiền mà cả 3 công ty này bỏ ra là gần 2.568 tỷ đồng.

    Trước đó vào ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn chấp thuận việc 3 công ty mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn ở PGBank.

    Trong công văn, NHNN yêu cầu 3 công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn nhận chuyển nhượng cổ phần tại PGBank, không được góp vốn, mua cổ phần của PGBank dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật.

    Cùng với đó, cổ đông nhận ủy thác đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác phải cung cấp cho tổ chức tín dụng thông tin về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần mà mình nhận đầu tư.

    NHNN yêu cầu PGBank cùng 3 công ty nói trên phải tuân thủ quy định của pháp luật về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan, quy định về cổ đông lớn và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

    "Bóng" Thành Công Group tại PG Bank

    Về các tân cổ đông lớn của PGBank, CTCP Quốc tế Cường Phát có Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Văn Mạnh. Doanh nhân sinh năm 1981 này từng là cổ đông sáng lập của CTCP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group) Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn.

    Trong khi đó, cập nhật tới tháng 5/2022, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Văn Nhuân (SN 1973). Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn.

    Việt Hưng là một thành viên của Thành Công Group, được thành lập bởi CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Huyndai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).

    Hạ tuần tháng 4/2023 là thời điểm mà cả 3 pháp nhân kể trên tiến hành tăng vốn mạnh mẽ. Cụ thể, vào ngày 20/4, CTCP Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng. Tới ngày 28/4, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức cũng tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng.

    Cũng trong ngày 28/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ công ty.

    Ông Nguyễn Tiến Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP SXXD CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập, bao gồm ông Vũ Văn Nhuân, Công ty TNHH TCG Land và bà Lê Hồng Anh.

    Tổng vốn góp tăng lên của 3 doanh nghiệp này là 2.577 tỷ đồng, nhiều hơn đôi chút với số tiền 2.568 tỷ đồng được chi ra để mua vào gần 40% sở hữu tại PGBank của Petrolimex.

    PG Bank muốn đổi tên, chuyển địa điểm

    Theo báo An ninh Thủ đô, trong một diễn biến khác, PGBank cũng vừa thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023, dự kiến tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 23/10.

    Nội dung ĐHĐCĐ là để kiện toàn nhân sự thuộc Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát; tăng vốn điều lệ. Đặc biệt, ĐHĐCĐ cũng dự kiến thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính. Ngoài ra ĐHĐCĐ cũng sẽ thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

    Trước thềm ĐHĐCĐ, PG Bank liên tục có những biến động lớn về mặt nhân sự cấp cao.

    Gần đây nhất, ngày 25/8, 2 thành viên HĐQT là ông Oliver Schwarzhaupt và ông Nilesh Ratilal Banglorewala (thành viên độc lập) đã có đơn xin từ nhiệm khỏi HĐQT. Bà Dương Ánh Tuyết, thành viên vừa được bổ nhiệm lên làm Trưởng Ban Kiểm soát hồi cuối tháng 7 cũng có đơn xin từ nhiệm.

    Trước đó, hồi tháng 7, ông Oliver Schwarzhaupt cũng đã được miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT PGBank theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 2/7. Ngân hàng cũng miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Phi Hùng, đồng thời bổ nhiệm ông Hùng làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 thay ông Oliver Schwarzhaupt.

    Ông Phạm Mạnh Thắng, nguyên Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc PGBank, thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc theo điều lệ.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngan-hang-pgbank-chinh-thuc-co-3-tan-co-dong-lon-a590891.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan