Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV của PGBank, tại thời điểm ngày 31/3/2023 ghi nhận tổng tài sản của nhà băng này ở mức gần 46 nghìn tỷ đồng, giảm 2,5 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022.
Trong quý I/2023, thu nhập từ lãi thuần của PGBank ở mức 339 tỷ đồng, tăng 95 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 13 tỷ đồng, trong khi con số này cùng kỳ đạt hơn 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt đông của nhà băng này tăng mạnh lên mức 186 tỷ đồng, tăng thêm 34 tỷ đồng so với quý I/2022.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của PGBank trong quý I/2023 đạt mức 153 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 3 tháng đầu năm của nhà băng này ở mức 122 tỷ đồng.
Nhìn vào báo cáo tài chính của PGBank có thể thấy rõ, cho vay khách hàng đạt con số 29 nghìn tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm kết thúc năm tài chính 2022. Chính vì vậy, chất lượng nợ của nhà băng này không thay đổi nhiều so với trước đó. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn ở mức 88 tỷ đồng, nợ nghi ngờ giảm từ 119 tỷ đồng năm 2022 còn 58 tỷ đồng trong quý I/2022. Nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng nhẹ lên mốc 570 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của nhà băng này tại thời điểm 31/12/2022 ở mức 303 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản nợ từ phát hành giấy tờ có giá ở mức 35 nghìn tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng ở mức 215 nghìn tỷ đồng… trong khi vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đang ở mức 24.055 tỷ đồng.
Theo bảng phân tích dư nợ cho vay theo ngành của PGBank, nhà băng này đang cho vay nhiều nhất trong ngành hoạt động dịch vụ khác lên đến 14 nghìn tỷ, ngành xây dựng ở mức 3 nghìn tỷ đồng, ngành bảo hiểm, tài chính, ngân hàng ở mức 3,3 nghìn tỷ đồng và ngành kinh doanh bất động sản ở mức 1,4 nghìn tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng tại PGBank kết thúc quý I/2023 hiện ở mức 32,7 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, nhà băng này đang có lô trái phiếu có mã PGBL2124001, phát hành ngày 10/09/2021 với giá trị 500 tỷ đồng, có kỳ hạn 3 năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Lô trái phiếu này của PGBank được sử dụng vào mục đích tăng quy mô vốn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn.
Theo báo cáo thường niên năm 2022, PGBank có quy mô vốn điều lệ lên đến 3.000 tỷ đồng. Hiện tại, cổ đông lớn của PGBank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Được biết, kế hoạch thoái vốn gần một thập kỷ của Petrolimex với PG Bank đã hoàn thành. Theo đó, công ty này đã bán xong 120 triệu cổ phần PGB với giá trung bình 21.400 đồng/cổ phần, thu về hơn 2.500 tỷ đồng.
Được biết, danh sách nhà đầu tư trúng đấu giá 120 triệu cổ phiếu PGB (40% cổ phần) cũng được hé lộ. Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh đã mua hơn 39,2 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,1% vốn; Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát đã mua hơn 40,6 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,54%, Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức mua hơn 40 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 13,36% vốn.
Theo thông tin về doanh nghiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh có lĩnh vực kinh doanh chính là in ấn. Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát chuyên về vận tải. Còn Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức chuyên về khai thác mỏ, quặng.
Nhân Văn