Những thương vụ thoái vốn gần đây của các ngân hàng ngoại như ANZ, HSBC hay sự úp mở của Standard Chartered Bank về việc “chia tay” ACB cho thấy làn sóng thoái vốn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thông tin được báo Doanh nhân Sài Gòn đăng tải, ngày 3/7/2017, chi nhánh TP HCM của Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã chính thức được chuyển nhượng cho Ngân hàng Quốc tế (VIB). Đây vốn là cổ đông chiến lược đang nắm giữ 20% vốn tại VIB. Ông Steve Ellis, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của CBA cho biết, thay vì phải phân tán nguồn lực tại VN cùng lúc cho cả 2 ngân hàng là CBA TP.HCM và VIB, thì nay CBA sẽ tập trung vào phát triển sự hiện diện và dịch vụ cho khách hàng thông qua VIB.
Trước đó, vào tháng 4/2017, ANZ cũng chuyển nhượng mảng bán lẻ cho một ngân hàng nước ngoài khác là Shinhan.
Ngân hàng ANZ đã chuyển nhượng mảng bán lẻ cho đơn vị khác. |
Cùng thời gian đó, trong Đại hội cổ đông của ngân hàng ACB, cổ đông chiến lược là Standard Chartered Bank cũng đã úp mở đến việc sẽ thoái vốn khỏi ACB. Cụ thể theo đại diện của Standard Chartered Bank thì đã "có thảo luận việc bán cổ phần tại thị trường châu Á và trong đó có cả ACB".
Cũng trong tháng 6, thông tin HSBC sẽ thoái vốn tại Techcombank cũng gây xôn xao thị trường tài chính khi ngân hàng này đã cùng gắn bó và trải qua bao thăng trầm cùng với Techcombank suốt từ năm 2005 đến nay.
Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có 4 thương vụ thoái vốn của các ngân hàng ngoại diễn ra.
Lý giải cho làn sóng thoái vốn này, báo Dân Việt đưa ra nhiều dẫn chứng về sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngoại và ngân hàng nội.
Theo đó, các sản phẩm dịch vụ giữa các ngân hàng hiện không còn nhiều khác biệt. Sau nhiều năm các ngân hàng ngoại nắm giữ các sản phẩm thiên về ngoại tệ thì hiện nay các ngân hàng nội đều có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam là thị trường biến động nhanh, đòi hỏi các ngân hàng thật sự linh động để đáp ứng nhu cầu phát triển của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Xét về khía cạnh này, các ngân hàng ngoại có vẻ kém ưu thế trong việc đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến làn sóng tháo chạy này diễn ra là thị trường không minh bạch, không ổn định, không công bằng trong việc đối xử giữa cơ quan chủ quan với ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước.
Ví dụ, một Nghị định của Ngân hàng Nhà nước ban hành, ngân hàng nước ngoài sẽ là tuân thủ 100% kể cả họ mất khách hàng hay mất thị phần. Nhưng các ngân hàng nội thì sẽ có độ trễ tuân thủ nhất định hoặc không tuân thủ hoặc tìm đủ mọi kẽ hở để không tuân thủ, miễn là họ giữ được khách hàng, giữ được doanh thu, thị phần... mà điều này các cơ quan chủ quan hoàn toàn biết.
Một điều quan trọng không kém là việc các ngân hàng ngoại không có cơ hội kiểm soát đồng vốn của mình dù có tới 20% cổ phần trong ngân hàng họ đầu tư vào.
Hơn nữa, khi tình hình kinh doanh toàn cầu không tốt, những thị trường không phải trọng tâm cũng được cơ quan mẹ quyết định rời bỏ.
(Tổng hợp)