+Aa-
    Zalo

    Xử phạt xe không giấy tờ gốc: Chủ xe và ngân hàng như "ngồi trên lửa"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng.

    Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

    Việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng, bởi rất nhiều người khi vay tiền ngân hàng mua xe trả góp đều bị ngân hàng bắt thế chấp giấy đăng ký xe bản chính. Chính vì vậy, nhiều người dân, doanh nghiệp kinh doanh xe và cả phía ngân hàng cũng đều lo lắng, bồn chồn như "ngồi trên đống lửa" khi công an giao thông bắt đầu xử phạt.

    Ai cũng muốn "nắm dao đằng chuôi"

    Trong vài năm gần đây, nhu cầu sử dụng ôtô trong sinh hoạt và trong kinh doanh tăng cao, khiến thị trường cho vay mua ô tô phát triển rất mạnh. Người mua có thể vay đến 75% giá trị xe và thời gian vay từ 5-7 năm, ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc và cung cấp cho chủ phương tiện bản photo có công chứng bằng các thoả thuận dân sự.

    Tuy nhiên, mới đây có trường hợp người vay mua ôtô giữ giấy tờ công chứng bị cảnh sát giao thông phạt vì không đem theo Giấy đăng ký xe bản gốc, điều này đã gây hoang mang cho các chủ phương tiện tham gia giao thông khi vay vốn ngân hàng.

    Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc hãng Taxi Ba Sao (Hà Nội) bức xúc: "Hiện Công ty Ba Sao kinh doanh khoảng 1.000 xe ôtô, trong đó đi vay ngân hàng đã khoảng 500 xe. Tôi kinh doanh xe ôtô gần hai mươi năm nay đều phải vay vốn ngân hàng. Trong xe luôn chỉ là giấy đăng ký xe bản sao và đều được pháp luật thừa nhận. Tại sao đùng một cái chẳng có thông báo gì cả cảnh sát giao thông lại xử phạt xe của chúng tôi và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của công ty."

    Cũng theo ông Huy, hiện hãng này đang bị công an giao thông giữ một xe vì lỗi không có giấy đăng ký xe bản chính và trong mấy hôm nay nhiều xe của hãng bị cảnh sát giao thông gọi lại hỏi kiểm tra giấy tờ. Từ khi chưa bị giữ xe, ông Huy đã gửi công văn hỏi ngân hàng về quy định giữ bản gốc giấy đăng ký xe khi vay vốn ngân hàng nhưng các ngân hàng cũng chỉ trả lời họ làm theo quy định của Luật Dân sự năm 2015 vì đây là văn bản Luật cao nhất.

    Ông Đặng Việt Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần taxi Nasco cũng chia sẻ, trong tuần qua công ty này cũng đã có 2 xe bị phạt vì không có giấy tờ gốc. Các lái xe rất bức xúc vì việc bị cảnh sát giao thông gọi lại để kiểm tra và xử phạt khi xe đang lưu thông trên đường mà không hề vi phạm đã làm ảnh hưởng đến thời gian lưu thông của hành khách trên xe, nhiều khách đã rất bực bội vì sợ chậm chuyến bay.

    Còn giám đốc một công ty kinh doanh tư nhân khác bức xúc: "Theo tôi đây là do luật chồng luật, bên nào cũng bảo mình đúng cả. Công an họ làm nhiệm vụ của họ, ngân hàng họ cũng làm đúng trách nhiệm của mình. Trong các cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ đều nói là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng hệ thống luật của mình chồng chéo thế này chỉ làm kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp mà thôi."

    Trao đổi vấn đề này với một cảnh sát giao thông trên địa bàn quận Ba Đình, ông này cho biết đã dựa vào công văn số 2916 của Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an ký ngày 31/5. Trong công văn này khẳng định: Đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo đúng quy dịnh tại nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung tại nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012) và công văn số 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước.

    Trước đó, ngày 24/5, Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản số 3851 gửi các tổ chức tín dụng. Theo đó, yêu cầu bên thế chấp (người vay tiền ngân hàng) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.

    Tuy nhiên, theo một Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, hiện tại khi thực hiện các thủ tục cho vay mua ôtô, giữa ngân hàng và bên thế chấp luôn có thoả thuận dân sự, cho phép bên nhận thế chấp (phía ngân hàng) giữ bản chính. Thoả thuận này căn cứ theo Điều 323 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành khẳng định quyền của bên nhận thế chấp: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

    Đại diện một ngân hàng thương mại thừa nhận, nếu như thực hiện việc giao bản chính giấy tờ xe cho bên thế chấp như quy định tại Nghị định 163 và yêu cầu của Bộ Công an thì các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi phương tiện giao thông đã được thế chấp cho tổ chức tín dụng nhưng khách hàng vẫn được giữ bàn chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong tay, khách hàng có thể tự động chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, cầm đồ... mà tổ chức tín dụng không thể biết được.

    Ngoài ra, khách hàng không bị áp lực với phía ngân hàng nên việc ngân hàng kiểm tra tài sản đảm bảo định kỳ, theo dõi biến động của xe và quản lý tài sản bảo đảm là việc không thể thực hiện được.

    Vị đại diện này nhấn mạnh, việc quản lý mua bán, đăng ký xe đang được thế chấp tại ngân hàng trên thực tế diễn ra phức tạp và thiếu cơ chế để bảo vệ ngân hàng với tư cách là bên nhận thế chấp. Ngay cả trường hợp hiện nay ngân hàng đang giữ bản chính Giấy đăng ký xe thì trên thực tế vẫn rất nhiều trường hợp không xác định được xe, không thu giữ được, không xử lý được hoặc rất mất thời gian, công sức và chi phí để xử lý.

    Mặc dù là người đi vay và đang bị ngân hàng giữ giấy tờ gốc nhưng chị Nguyễn Minh Hà chuyên kinh doanh xe ôtô 16 chỗ ngồi lại đồng tình với việc ngân hàng phải giữ giấy tờ gốc khi xe đang được thế chấp. Chị Hà cho biết, hiện chị đang vay của Vietcombank số tiền để mua 2 xe với lãi suất 8,5%/năm trong thời hạn 2 năm. Đến thời điểm này, chị Hà có thể trả hết tiền cho ngân hàng để lấy giấy tờ xe về nhưng chưa muốn trả hết ngay vì vẫn muốn ngân hàng "giữ hộ" giấy tờ gốc.

    Chị Hà lý giải: "Tôi là người kinh doanh xe và phải thuê lái xe nên rất sợ nhỡ lái xe sơ suất gì để kẻ gian lấy được giấy tờ xe sẽ mang đi cầm cố, thế chấp. Trước đây, nhiều người bạn tôi cũng đã gửi ngân hàng giữ hộ giấy tờ xe vì lo ngại điều này."

    Đồng tình với quan điểm của chị Hà, ông Đặng Việt Hưng cũng cho rằng, việc ngân hàng giữ giấy tờ xe là hoàn toàn đúng vì họ không thể cho doanh nghiệp hay khách hàng vay một khoản tiền lớn mà không hề được nhận một giấy tờ đảm bảo nào, như thế khác nào mình tự "thả gà ra đuổi".

    Có cách nào để tháo gỡ?

    Hiện câu chuyện đang tranh cãi nhiều là văn bản luật nào mới là đúng trong trường hợp này?

    Luật sư Nguyễn Trung Thành, đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, Điều 323 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành khẳng định quyền của bên nhận thế chấp là “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

    Theo đó, luật sư Thành cho rằng, trong trường hợp Luật (là văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội) có quy định khác thì việc thỏa thuận đó của các bên sẽ phải tuân thủ theo Luật, chứ không phải tuân thủ theo quy định khác của Nghị định (là văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ).

    Mặt khác, căn cứ khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Bộ luật (văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành) là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Nghị đinh (văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành).

    "Theo đó, trong trường hợp có quy định khác nhau về việc giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 163, thì đương nhiên các TCTD căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 để áp dụng," luật sư Thành nhấn mạnh.

    Để gỡ rối cho vấn đề này, ông Đặng Việt Hưng cho rằng các Bộ ngành nên sớm đưa ra văn bản hướng dẫn và phải nhất quán để các doanh nghiệp thực hiện theo.

    Còn theo ông Huy, cảnh sát giao thông phải có những động thái tuyên truyền nhắc nhở trước khi xử phạt hoặc có công văn gửi sang ngân hàng để họ có những phương án tốt nhất cho khách hàng của họ chứ không thể đùng một cái thích phạt là phạt, như vậy cả ngân hàng và doanh nghiệp đều trở tay không kịp.

    Một lãnh đạo ngân hàng kiến nghị nên có giải pháp dung hòa, như cho phép ngân hàng giữ bản chính giấy đăng ký xe nhưng trong giấy xác nhận sẽ ghi rõ thời điểm hiệu lực từ khi nào đến khi nào. Nếu không cho ngân hàng giữ giấy tờ chính thì rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng. Vấn đề là các cơ quan quản lý phải ngồi lại, bàn bạc, cân nhắc và đưa ra hướng dẫn rõ ràng để chúng tôi thực hiện.

    Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đã giao Vụ Pháp chế khẩn trương xem xét để sớm có văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Tư pháp theo quan điểm tạm thời gỡ vướng, tạo điều kiện không xử phạt người dân, doanh nghiệp.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-phat-xe-khong-giay-to-goc-chu-xe-va-ngan-hang-nhu-ngoi-tren-lua-a195586.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan