Pháp luật TP.HCM dẫn trang Business Insider, đối với Ukraine, hệ thống phòng thủ hiệu quả có thể quyết định chuyện Ukraine có thể đối phó các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga nhằm vào các TP và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này hay không.
Còn đối với Nga, việc có thể hạ gục UAV của Ukraine và tên lửa do phương Tây cung cấp rất quan trọng với việc quân đội Nga có thể điều động lực lượng và tiếp tế cho các hoạt động trên bộ sắp tới hay không.
Với cả hai bên, hệ thống phòng không hiệu quả là rất quan trọng trong việc chống lại UAV giám sát và UAV mang theo chất nổ trên chiến trường, nơi vũ khí này có thể làm tê liệt các hoạt động quân sự.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia quân sự cũng nhận định rằng, tình hình cuộc xung đột Nga – Ukraine trong mùa đông sắp tới sẽ trở nên khó khăn hơn, khi cả Moscow và Kiev đều không lùi bước trước các cuộc tấn công của đối phương, nhưng cũng không bên nào có thể giành chiến thắng trong trung hạn. Tuy nhiên, kịch bản Nga và Ukraine ngồi xuống bàn đàm phán có thể diễn ra vào năm tới.
“Mùa đông sẽ chỉ làm tăng thêm khó khăn trên chiến trường. Không bên nào có thể đạt được đột phá về chiến thuật hoặc trong hoạt động chiến đấu”, Đại tá đã nghỉ hưu Seth Krummrich, hiện là phó chủ tịch của Global Guardian, một công ty tư vấn an ninh, nói với Al Jazeera.
Ukraine đã phát động một cuộc phản công lớn vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa đạt được mục tiêu chiến lược là chia cắt các lực lượng Nga cũng như cô lập lực lượng Nga ở Kherson, Zaporizhzhia và Crimea. Các chỉ huy cấp cao của Ukraine cho biết cuộc phản công sẽ tiếp tục kéo dài suốt mùa đông.
Trong tháng 11, Nga đã đáp trả Ukraine bằng một loạt cuộc tấn công mới ở phía Đông, hướng tới các thành phố Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Mariinka. Không bên nào giành được bước ngoặt lớn, nhưng Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công bất chấp tuyết và băng giá.
Konstantinos Grivas, chuyên gia giảng dạy về các hệ thống vũ khí và địa chính trị tại Học viện Quân sự Hellenic, cho rằng cả Nga và Ukraine đều chưa tìm ra được lợi thế về công nghệ hoặc chiến thuật để tạo ra bước đột phá, mà chỉ tập trung vào xây dựng hệ thống phòng thủ.
“Hỏa lực và hệ thống phòng thủ thụ động, ví dụ như các bãi mìn, chiến hào, dường như đã làm giảm khả năng của các lực lượng cơ giới hóa và không quân”, ông Grivas nói.
Cả Nga và Ukraine đều có những chiến lược riêng để đạt thành công trên chiến trường. Mùa đông năm ngoái, Nga đã nhắm mục tiêu vào các nhà máy điện, gây mất điện trên diện rộng tại Ukraine. Vào tháng 7, Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine để ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc của Kiev. Ukraine đã ứng phó bằng cách sử dụng các hệ thống phòng không, phụ tùng thay thế và máy phát điện khẩn cấp do phương Tây cung cấp để duy trì nguồn điện.
XEM THÊM: Chiếc môtô cũ kỹ, tưởng bỏ xó nhưng được bán đấu giá hơn 22 tỷ đồng có gì đặc biệt?
Ukraine cũng áp dụng chiến lược tấn công của riêng mình. Kiev sử dụng những vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào phía sau tiền tuyến của Nga nhằm làm gián đoạn việc cung cấp vũ khí cho tiền tuyến, nhưng Nga đã chuyển kho dự trữ ra khỏi tầm bắn của vũ khí. Các chuyên gia cho rằng máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine sắp nhận được từ một số nước NATO khó có khả năng phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường, theo VOV.
Phương Linh (T/h)