+Aa-
    Zalo

    Căng thẳng Nga - Ukraine ngày 2/12: Yếu tố có khả năng thúc đẩy Moscow và Kiev đàm phán

    (ĐS&PL) - Giới quan sát không cho rằng triển vọng đàm phán sẽ xảy ra ngay trong mùa Đông năm 2023 bởi hiện tại cả hai bên đều cho thấy ý chí tiếp tục chiến đấu.

    Theo thông tin trên báo Dân Trí, Al Jazeera dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, mùa Đông năm 2023 có thể sẽ chứng kiến tình trạng bế tắc kéo dài, với những cuộc giao tranh ác liệt nhưng đó có khả năng là tiền đề cho các cuộc đàm phán vào năm tới.

    Ông Seth Krummrich - Phó Chủ tịch tại công ty cố vấn an ninh Global Guardian nhận định: "Mùa Đông chỉ càng làm tăng thêm nỗi khốn khổ, không bên nào sẽ đạt được bước đột phá về mặt chiến thuật hoặc hoạt động trong điều kiện thời tiết như vậy”.

    Ukraine phát động một cuộc phản công lớn vào đầu tháng 6/2023. Tuy nhiên, Kiev đã không thể đạt được mục tiêu chiến lược là cắt đôi hành lang trên bộ của Nga ở miền Đông, dù mùa Đông đã cận kề và tuyết bắt đầu rơi.

    Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẽ không ngừng hoạt động tác chiến trong mùa Đông. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hai bên đều khó đạt được bất cứ bước tiến nào khi thời tiết trở nên khắc nghiệt.

    cang thang nga ukraine ngay 212 yeu to co kha nang thuc day moscow va kiev dam phan
    Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẽ không ngừng hoạt động tác chiến trong mùa Đông. Ảnh minh họa: RIA Novosti

    Sau thời gian lui về phòng thủ, tháng 11/2023, Nga bắt đầu chuyển sang tiến công ở mặt trận miền Đông, nhắm vào các thành phố Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Mariinka. Các cuộc tấn công này không thành công nhưng Moscowvẫn tiếp tục bất chấp thời tiết băng giá và tuyết rơi.

    "Khi mặt đất đóng băng, lực lượng Nga sẽ cố tìm cách tiến quân nhưng tấn công trong điều kiện thời tiết như vậy sẽ là thảm họa. Họ sẽ mắc kẹt trong cuộc chiến tiêu hao", ông Konstantinos Grivas - giảng viên về hệ thống vũ khí và địa chính trị tại Học viện Lục quân Hellenic ở Hy Lạp, cho hay.

    Theo ông Grivas, cả hai bên đều không tìm ra được lợi thế về công nghệ hoặc chiến thuật để tạo ra bước đột phá vì phòng thủ chiếm ưu thế. Hỏa lực và hệ thống phòng thủ thụ động như các bãi mìn, chiến hào dường như đã vô hiệu hóa khả năng của các lực lượng cơ giới hóa và không quân. 

    Ông Grivas chia sẻ thêm: “Nếu có diễn biến nghiêm trọng thì đó sẽ là sự sụp đổ do kiệt sức, như một trận đấu quyền anh mà một võ sĩ đơn giản là không thể chịu đòn, ngoại trừ một cú đấm hạ gục".

    VnExpress dẫn thông tin từ Al Jazeera cho biết, giới quan sát nhận định cả Moscow và Kiev đã xây dựng chiến lược để giành chiến thắng nhưng tất cả đều không mang đến kết quả như mong đợi.

    Nga đã hy vọng lực lượng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi cuối tháng 2/2022. Khi mục tiêu này thất bại, họ đã phóng khoảng 10.000 tên lửa vào các thành phố Ukraine để phá vỡ ý chí chiến đấu của Kiev.

    Mùa Đông năm 2022, Nga nhắm mục tiêu vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, gây tình trạng mất điện nghiêm trọng. Trong mùa hè, Nga liên tục không kích cơ sở hạ tầng cảng để chặn nỗ lực xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

    Trước động thái của Nga, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cung cấp thêm hệ thống phòng không, máy phát điện khẩn cấp và linh kiện thay thế để duy trì nguồn điện. Họ cũng chuyển giao nhiều loại khí tài hiện đại hỗ trợ chiến dịch phản công của Ukraine.

    Gần đây nhất, Kiev yêu cầu phương Tây viện trợ tiêm kích F-16, cho rằng vũ khí này có thể giúp họ thay đổi cục diện chiến trường. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng loại tiêm kích hiện đại này không thể phá vỡ thế bế tắc.

    "Ngay cả khi có F-16, Ukraine cũng không thể sử dụng chúng hiệu quả vì loại tiêm kích này cần hàng nghìn giờ huấn luyện phi công trước khi đi vào hoạt động", ông Andreas Iliopoulos - cựu phó chỉ huy quân đội Hy Lạp nói, đồng thời sự đoán F-16 chỉ có thể tham chiến ở Ukraine sớm nhất vào năm 2025.

    Trong khi đó, ông Grivas chia sẻ: "Tôi nghĩ tất cả những điều này chỉ là nỗ lực của Ukraine để tiếp tục yêu cầu hỗ trợ từ phương Tây, ngăn nguy cơ mệt mỏi vì chiến sự và áp lực đàm phán".

    cang thang nga ukraine ngay 212 yeu to co kha nang thuc day moscow va kiev dam phan1
    Giới quan sát nhận định Nga và Ukraine đã xây dựng chiến lược để giành chiến thắng nhưng tất cả đều không mang đến kết quả như mong đợi. Ảnh minh họa: EPA

    Hồi tháng 8/2022, tình báo Ukraine ước tính Nga còn khoảng 585 tên lửa các loại, nhưng có kế hoạch chế tạo hơn 100 tên lửa mỗi tháng. Tháng 11/2023, quân đội Ukraine cho biết, Nga đã tích trữ hơn 800 tên lửa ở bán đảo Crimea để chuẩn bị cho chiến dịch tập kích hạ tầng năng lượng vào mùa Đông.

    Khả năng duy trì kho vũ khí và nguồn nhân lực lớn của Nga đã khiến một số nhà quan sát cho rằng thời gian đang đứng về phía Moskva. "Ukraine có thể sẽ thua trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài bởi đây vốn là cuộc chiến không cân sức", John Mearsheimer - giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ) nêu ý kiến.

    Dù vậy, lực lượng của Nga cũng khó tránh khỏi kiệt sức trong một cuộc chiến kéo dài. Trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào khi Nga chưa rút hết quân, Nga lại có quan điểm khác.

    Phát biểu trước hội nghị G20 hôm 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine. Tất nhiên, chúng ta nên nghĩ về cách ngăn chặn thảm kịch này".

    Theo giới quan sát, đây là cách Moscow phát tín hiệu về việc đàm phán với Kiev, có khả năng là vào đầu năm 2024, khi cả hai trải qua những trận chiến khốc liệt nhưng bế tắc trong mùa Đông.

    Chuyên gia Krummrich cho rằng, ông Putin một lần nữa muốn gửi đi thông điệp rằng Nga muốn chấm dứt cuộc xung đột. Chuyên gia Grivas cũng nghĩ cả hai bên hiện giờ đều muốn tìm lối thoát cho cuộc xung đột, nhưng ai sẽ đề nghị đàm phán trước.

    Dù vậy, giới quan sát không cho rằng triển vọng đàm phán sẽ xảy ra ngay trong mùa Đông năm 2023, bởi hiện tại cả hai bên đều cho thấy ý chí tiếp tục chiến đấu.

    XEM THÊM: Chiếc môtô cũ kỹ, tưởng bỏ xó nhưng được bán đấu giá hơn 22 tỷ đồng có gì đặc biệt?

    Al Jazeera dẫn nhận định của giới chuyên gia cho hay, Tổng thống Putin dường như tìm đang tìm kiếm chiến thắng mang tính biểu tượng trước cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 4/2024 và những rạn nứt trên thành trì ủng hộ của phương Tây, đặc biệt khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng.

    "Ông Trump và các thành viên Cộng hòa có thể sẽ không giúp Ukraine, khiến mọi thứ dễ dàng hơn cho Nga", ông Krummrich nói. Được biết, các  nghị sĩ Cộng hòa trung thành với ông Trump năm nay dẫn đầu nỗ lực ngăn dòng viện trợ quân sự cho Ukraine, viện lý do thâm hụt ngân sách của Mỹ quá cao.

    Là ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, cựu Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-thang-nga-ukraine-ngay-2-12-yeu-to-co-kha-nang-thuc-day-moscow-va-kiev-dam-phan-a601947.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ukraine đã thiệt hại như thế nào sau 6 tháng tổng lực phản công Nga?

    Ukraine đã thiệt hại như thế nào sau 6 tháng tổng lực phản công Nga?

    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga đã thông tin về thiệt hại ước tính của quân đội Ukraine sau 6 tháng tổ chức chiến lược tổng tấn công quân đội Nga trên mọi mặt trận. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh quân đội Nga "đang giành được nhiều vị trí thuận lợi hơn và mở rộng phạm vi kiểm soát về mọi hướng".