Theo thông tin trên Business Insider, Nga trước đây từng sơn máy bay giả tại một số căn cứ quân sự. Có thể nói, chiến thuật mồi nhử như vậy không phải điểm mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Các nhà phân tích nhận định, bằng cách sơn máy bay giả, Moscow có khả năng đang cố gây nhầm lẫn cho các hệ thống vũ khí của Kiev, đồng thời "gây nhiễu" về những gì đang diễn ra tại các căn cứ của họ.
Ví dụ gần đây nhất về chiến thuật này có thể được quan sát thấy tại căn cứ không quân Primorsko-Akhtarsk của Nga, nằm dọc theo Biển Azov. Trong hình ảnh vệ tinh hôm 28/12/2023 do Planet Labs PBC chụp, một số máy bay cánh cố định đang đậu thành một hàng trong một khu vực của căn cứ.
Điều đáng chú ý là trong hàng có hai máy bay màu trắng khác lạ, không giống như màu xanh và xám của các máy bay khác. Một máy bay thứ ba có cách sơn giống như các máy bay khác trong căn cứ nhưng lại không có bóng giống hai máy bay trắng.
Những hình ảnh này không xuất hiện vào ngày 17/8/2023 tại căn cứ không quân Primorsko-Akhtarsk. Hôm đó, có thể thấy một số máy bay khác nhau đậu thành hành nhưng không có chiếc nào sơn màu trắng. Điều này chứng tỏ hình ảnh 3 máy bay màu trắng mới được thêm vào trong khoảng thời gian 4 tháng.
Trước đó, ngày 26/6/2023, hình ảnh vệ tinh tại căn cứ không quân Yeysk gần đó cho thấy 3 chiến đấu cơ màu trắng sáng nằm cạnh nhau, ngay sát bên là đường viền màu trắng chưa được sơn kín.
Theo hình ảnh ngày 16/7/2023 của căn cứ này, những hình sơn máy bay đã biến mất, thế chỗ là các máy bay quân sự thật, các "mồi nhử" hoặc có thể được sơn lại để trông giống máy bay phản lực của Nga hơn.
Các chuyên gia đã chỉ ra một số lý do khác nhau khiến Nga sơn chiến đấu cơ giả tại các căn cứ, ngay cả khi chỉ là tạm thời. Một lý do cơ bản là có thể Nga đang cố gắng đánh lừa vũ khí của Ukraine muốn nhắm mục tiêu vào máy bay trong các cuộc tấn công vào căn cứ của Moscow.
"Có khả năng mục đích là đưa ra các mục tiêu giả có thể đánh lừa máy bay không người lái tấn công một chiều của Ukraine, được trang bị camera đơn giản để nhận dạng hình ảnh máy bay, tránh máy bay thật bị đánh trúng", ông Justin Bronk - chuyên gia hàng không hàng đầu tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) phân tích.
Bên cạnh đó, Nga có khả năng đang cố gắng che giấu số lượng chiến đấu cơ thực tế và thời gian chúng đậu tại căn cứ, cũng như mô hình hoạt động của chúng. Theo ý kiến của nhà phân tích Brady Africk tại Viện American Enterprise, Moscow muốn gây khó khăn cho Kiev trong việc xác định căn cứ nào đang hoạt động tích cực.
Chiến thuật nói trên tương đối vô hại và không tốn kém nhưng lại đạt được hiệu quả lớn. Nhà phân tích Africk chia sẻ, dù chỉ có một cơ hội nhỏ rằng máy bay giả có hiệu quả nhưng việc đánh lừa khiến Ukraine lãng phí đạn dược hoặc lộ địa điểm phóng có thể coi là "cực kỳ có giá trị" đối với Nga.
XEM THÊM: Hé lộ các nâng cấp giúp FPV Nga "qua mặt" hệ thống tác chiến điện tử hiệu quả
"Tôi nghĩ nhìn chung đây là một phản ứng trước khả năng ngày càng tăng của Ukraine trong việc tấn công các sân bay của Nga. Cách này tương đối ít tốn kém để cố gắng ngăn chặn hoặc gây khó khăn hơn cho việc tấn công máy bay Nga", nhà phân tích Africk bày tỏ.
Theo Business Insider, trước đây, Nga từng sơn máy bay ném bom chiến lượng Tu-95 trên đường băng tại một trong các căn cứ của mình và phát triển xe tăng T-72 bơm hơi. Trong khi đó, Ukraine lại chế tạo máy bay phản lực giả, bệ phóng tên lửa bằng gỗ, cắt thùng dầu để tạo ra vật phản xạ radar mồi nhử.
Nhà phân tích Afirck nói rằng, có nhiều loại "mồi nhử" khác nhau, tùy theo nỗ lực bỏ ra và vật liệu sử dụng. Hiện tại, vẫn còn phải xem liệu những chiến đấu cơ giả tại căn cứ Primorsko-Akhtarsk có thể khiến Ukraine lãng phí các loại vũ khí như tên lửa hành trình máy bay không người lái tầm xa hay không.
Đinh Kim(Theo Business Insider)