Hãng tin Reuters đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/11 tuyên bố đã phóng thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) Bulava, vốn được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Imperator Alexander III.
Tên lửa được phóng từ Biển Trắng, khu vực ngoài khơi phía Bắc của Nga, và đã bắn trúng mục tiêu cách đó hàng nghìn km trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông.
"Việc phóng ICBM là bước cuối cùng trong cuộc thử nghiệm vũ khí mới cấp nhà nước. Sau khi quy trình này hoàn tất, hải quân Nga sẽ ra quyết định tiếp nhận tàu ngầm mới", Bộ Quốc phòng Nga thông báo qua Telegram nhưng không nêu cụ thể thời điểm thực hiện vụ phóng trên.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tàu ngầm Imperator Aleksandr III phóng tên lửa Bulava "trong chế độ bình thường từ dưới nước", quả đạn đánh trúng mục tiêu trong thời gian quy định. Sau vụ thử, quân đội Nga sẽ ra quyết định về biên chế tàu ngầm Imperator Aleksandr III vào lực lượng hải quân nước này.
Tên lửa Bulava dài 12m, có tầm bắn ước tính 8.000km và có thể mang tới 6 đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này được coi là "hòn đá tảng" trong bộ ba hạt nhân của hải quân Nga. Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân Imperator Aleksandr III thuộc Đề án 955A Borei-A, nằm trong lô chiến hạm sản xuất loạt do hãng đóng tàu Sevmash chế tạo. Chiến hạm được hạ thủy tháng 12/2022 và có thể được biên chế trong năm nay.
Các tàu ngầm thuộc lớp Borei-A được trang bị 16 tên lửa đạn đạo Bulava và ngư lôi thế hệ mới, có chiều dài 170 m, lượng giãn nước 14.720 tấn khi nổi và 24.000 tấn khi lặn, có thể di chuyển khi lặn với vận tốc tối đa 56 km/h. Ống phóng ngư lôi 533 mm của tàu ngầm lớp Borei-A có thể tương thích nhiều loại vũ khí khác.
"Các tàu ngầm hạt nhân thế hệ 4 thuộc lớp này là một phần lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Hải quân Nga đang vận hành ba tàu ngầm thuộc Đề án Borei-A, một chiếc đang được hoàn thiện và ba chiếc đang được chế tạo", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Cũng theo Bộ này, hải quân Nga hiện đang sở hữu 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Borei đang hoạt động, trong khi một chiếc đang hoàn tất các cuộc thử nghiệm và ba chiếc nữa đang được chế tạo.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo mới được tiến hành trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân để chống lại mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng. Kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã xuống đến mức thấp nhất và luôn trong trạng thái đối đầu căng thẳng.
Phương Uyên(T/h)