Tổng thống Ukraine tuyên bố không hòa đàm với Nga
Theo thông tin mới nhất từ tờ Pravda, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong cuộc họp báo với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hôm 3/11 khẳng định tình hình chiến sự chưa rơi vào bế tắc và Ukraine sẽ không đàm phán với Nga.
"Đây không phải là bế tắc. Nga kiểm soát bầu trời. Chúng tôi đang bảo vệ quân đội của mình. Với những chiếc F-16, chúng tôi sẽ đợi phi công hoàn thành huấn luyện và họ sẽ quay trở lại. Khi có lực lượng phòng không ở mặt trận, binh lính của chúng tôi sẽ tiến lên và triển khai các thiết bị họ có”, ông Zelenskyy nói về thông tin cho rằng Ukraine đang bế tắc trên các mặt trận.
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để có thêm thiết bị phòng không, chấm dứt sự kiểm soát của Nga trên bầu trời và tạo cơ hội các lực lượng quân đội tiến hành hoạt động tấn công. Ông cũng phủ nhận việc các đối tác của Ukraine đang gây áp lực buộc nước này phải đàm phán với Nga.
"Mọi người đều biết quan điểm của tôi, cũng giống như lập trường của người dân Ukraine. Hiện tại không ai gây áp lực lên tôi. Điều đó đã xảy ra trước chiến tranh và ngay từ đầu cuộc chiến. Không có nhà lãnh đạo EU hay Mỹ nào đang gây áp lực với tôi. Việc chúng tôi ngồi lại với Nga, đàm phán và nhượng bộ họ – điều đó sẽ không xảy ra”, Tổng thống Zelenskyy tuyên bố.
Thông tin trên được ông Zelenskyy đưa ra sau khi tờ Economist dẫn lời ông Valerii Zaluzhnyi - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine tiết lộ tình hình ở ngoài mặt trận đã đi vào bế tắc khi không bên nào có thể tiến lên mặc dù liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào đối phương.
Vị tướng này cũng khẳng định để có thể giành phần thắng trong trận chiến khốc liệt với Nga, quân đội Ukraine cần có năng lực và công nghệ quân sự cao, đặc biệt là sức mạnh không quân nhằm tăng cường kiểm soát bầu trời.
Nhà Trắng thừa viện trợ Ukraine đang cạn kiệt
Hãng tin RT dẫn lời bà Jean-Pierre – Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết, nguồn kinh tế dùng để viện trợ vũ khí cho Ukraine sắp cạn kiệt. Bà kêu gọi Quốc hội nhanh chóng phê chuẩn yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cung cấp thêm vốn viện trợ.
Bà Jean-Pierre lưu ý rằng gói viện trợ quân sự trị giá 425 triệu USD mới được Lầu Năm Góc công bố hôm 3/11 đã “làm cạn kiệt số tiền còn lại của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI)”. Trong khi Nhà Trắng vẫn có các cơ quan PDA để “đáp ứng nhu cầu chiến trường trước mắt của Ukraine”, Washing đang bắt đầu cung cấp cho Kiev “các gói PDA nhỏ hơn để mở rộng khả năng hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể”.
Tháng trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra đề xuất về gói viện trợ hơn 100 tỷ USD bao gồm 61,4 tỷ USD cho Ukraine và 14,3 tỷ USD cho Israel. Nhưng một số đảng viên Cộng hòa đã phản đối viện trợ cho Ukraine, cáo buộc ông Biden thiếu tầm nhìn chiến lược. Họ nhấn mạnh rằng vấn đề viện trợ cho Israel và Ukraine cần phải được xử lý riêng biệt.
Trong khi đó, ngày 2/11, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất phân bổ 14,3 tỷ USD viện trợ cho Israel với với 226 phiếu ủng hộ và 196 phiếu chống. Kinh phí cho gói viện trợ sẽ được thực hiện bằng cách cách cắt một phần ngân sách từ Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, dự luật này lại hoàn toàn trái ngược với sáng kiến 106 tỷ USD của Nhà Trắng bao gồm cả viện trợ cho Ukraine. Nó cũng không bao gồm viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza như Nhà Trắng yêu cầu
Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng cùng ngày thông báo Tổng thống Biden sẽ phủ quyết dự luật viện trợ dành cho Israel của đảng Cộng hòa kể cả khi dự luật này được thông qua ở cả hai viện Quốc hội.
Phương Uyên (Theo RT và Pravda)