Báo Dân trí dẫn nguồn từ RT đưa tin, trong tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng để ngăn chặn việc nước này cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ, trước tiên Nga phải ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông Scholz cũng bác bỏ những lo ngại rằng kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa của Mỹ có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với Nga. Ông giải thích, việc triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Đức sẽ có tác dụng răn đe, đảm bảo rằng Đức không phải đối mặt với một cuộc tấn công tiềm tàng từ đối thủ trong tương lai.
Bình luận về thông tin trên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: "Không có ai hỏi ông Scholz rằng liệu người Đức có muốn triển khai những tên lửa hay không. Khi tin tức này được công bố, ông ấy đã suy nghĩ một cách đơn giản và nói rằng ông hoan nghênh quyết định triển khai tên lửa của Mỹ tại Đức. Điều đó cho thấy ông ấy không che giấu sự thật rằng quyết định này là của Mỹ đưa ra".
Ông Lavrov nhấn mạnh, vấn đề chính ở đây không phải là việc Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Đức và nhà lãnh đạo Đức không hiểu được lý do dẫn đến cuộc xung đột Ukraine. Ông cho rằng, chiến dịch quân sự của Moscow nhằm mục đích "loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga phát sinh ở Ukraine, nơi NATO tính triển khai các căn cứ quân sự, bao gồm ở cả Biển Azov".
Ông Lavrov cho hay, chiến dịch Moscow đang tiến hành cũng có mục tiêu bảo vệ người dân Donetsk và Lugansk, 2 vùng mà Nga đã sáp nhập thông qua cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi vào năm 2022. Nga nhiều lần tuyên bố họ sẽ thực hiện đến cùng các mục tiêu đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.
Theo VnExpress, trước đó, Washington và Berlin ngày 10/7 ra tuyên bố chung cho biết các loại vũ khí tầm xa Mỹ dự kiến triển khai tại Đức là Tên lửa Tiêu chuẩn 6 (SM-6), tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu vượt âm đang phát triển.
Chúng có tầm bắn "xa hơn đáng kể" so với những loại tên lửa phóng từ mặt đất mà Mỹ đang triển khai tại châu Âu và là một phần trong nỗ lực nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với NATO và năng lực phòng thủ châu Âu.
Tên lửa Tomahawk được gọi là "sứ giả chiến tranh", do chúng thường được Mỹ khai hỏa để đánh phủ đầu đối phương trong nhiều cuộc chiến tranh, từ cuộc chiến vùng Vịnh đến nay. Tên lửa này có giá 1,5 triệu USD/quả, được lắp đầu đạn nặng 454 kg, tầm bắn khoảng 1.600 km, dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Những loại vũ khí này, bao gồm hệ thống SM-6 và Tomahawk, đã bị cấm ở châu Âu cho đến khi Washington rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí INF từ thời Chiến tranh Lạnh vào năm 2019.