Theo thông tin trên RT, Bộ Ngoại giao Đức đã bày tỏ sự phản đối đối với quyết định sử dụng mìn chống bộ binh của Ukraine trong cuộc xung đột với Ukraine. Nhiều báo cáo của các phương tiện truyền thông tiết lộ, mìn chống bộ binh bị cấm theo Công ước Ottawa năm 1997 nhưng vừa được Washington đề nghị cung cấp cho Kiev trong tuần này.
Trao đổi với báo giới hôm 22/11, ông Christian Wagner - Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức, ban đầu né tránh câu hỏi về việc Ukraine sử dụng mìn chống bộ binh, đồng thời cáo buộc quân đội Nga sử dụng loại vũ khí này ở "quy mô lớn".
Tuy nhiên sau đó, ông Wagner nói rằng Berlin “rất lấy làm tiếc” về quyết định của Ukraine. Được biết, Ukraine là nước tham gia Công ước Ottawa năm 1997 còn Nga không phải một bên tham gia công ước này.
“Thật đáng tiếc khi Ukraine cảm thấy buộc phải thực hiện một bước đi như vậy”, ông Wagner bày tỏ. Ông cũng cho biết, Đức là một bên tham gia Công ước Ottawa năm 1997 và vẫn cam kết thực hiện công ước đó.
Có hơn 160 quốc gia đã ký Công ước Ottawa năm 1997 về cấm sản xuất và chuyển giao mìn chống bộ binh. Là một bên ký kết công ước, việc nhận vũ khí từ Mỹ và sử dụng chúng trên chiến trường sẽ vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Ukraine.
Động thái cung cấp mìn bộ binh diễn ra trong bố cảnh lực lượng Nga liên tục đạt bước tiến trên mặt trận ở Donbass, Kursk cũng như một số khu vực của Ukraine. Quyết định của Washington vấp phải sự chỉ trích của một số tổ chức nhân quyền phương Tây.
Ông Hichem Khadhraoui - Giám đốc điều hành Trung tâm dân thường trong xung đột (CIVIC) chia sẻ với Politico vào tuần này rằng, nững thiết bị này “gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với dân thường trong nhiều năm sau khi chiến sự kết thúc".
Hồi năm 2023, Mỹ được cho là đã cung cấp bom chùm cho Ukraine. Hơn 110 quốc gia đã cấm sử dụng loại vũ khí này theo Công ước Liên hợp quốc về bom chùm (CCM) năm 2008 do mối nguy hiểm cực độ đối với dân thường.
Mỹ đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ Anh, Canada và Đức, cũng như một số quốc gia NATO và ngoài NATO về quyết định đó.