Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên truyền hình nhà nước Pavel Zarubin ngày 29/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã chuẩn bị sửa đổi học thuyết hạt nhân của nước này và học thuyết đó sẽ sớm được chính thức hóa.
Ông Peskov đồng thời nhấn mạnh rằng theo các thay đổi được đề xuất, Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Nga được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/9 đã công bố loạt đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Điểm cập nhật chính là mở rộng danh sách "những mối đe dọa quân sự" nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe hạt nhân của Nga.
Qua đó, ông Putin nhấn mạnh bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đều được coi là “một cuộc tấn công chung chống lại Nga”.
Theo tuyên bố từ chủ nhân Điện Kremlin, Nga sẽ kích hoạt vũ khí hạt nhân trong trường hợp nước này thu thập được thông tin đáng tin cậy về một cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa, máy bay hoặc drone nhằm vào Nga, cũng như phát hiện sự xâm phạm qua biên giới quốc gia Nga.
Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga được coi là câu trả lời của Điện Kremlin, trước các cuộc thảo luận ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.
Tổng thống Putin đã vạch ra “lằn ranh đỏ” cho Mỹ và các đồng minh, cũng như ám chỉ rằng Moscow sẽ xem xét việc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu những nước này cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Chính người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng thừa nhận, đây là một thông điệp cảnh báo các quốc gia về hậu quả nếu họ tham gia vào một cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi bằng nhiều phương tiện khác nhau, không nhất thiết là hạt nhân.
Trong khi đó, chuyên gia hạt nhân người Nga Maxim Starchak lập luận rằngchuyên gia hạt nhân người Nga Maxim Starchak lập luận rằng: “Điện Kremlin thường xuyên sử dụng các lời đe dọa hạt nhân. Mỗi lần Kiev được viện trợ vũ khí mới, được cho phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga hoặc tấn công vào các hệ thống cảnh báo tên lửa của Nga, Moscow lại đưa ra các lời đe dọa hạt nhân”.
Theo báo Washington Post, Ukraine - quốc gia không có vũ hạt nhân - đã nhận viện trợ quân sự từ Mỹ và các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại nước này vào tháng 2/2022.