Theo The Economist, Ukraine có thể tiếp tục giữ vùng pháo đài phòng thủ Pokrovsk trong vài tháng hay giảm nguy cơ Dnipro và Odesa sụp đổ nếu Mỹ không đột ngột cắt nguồn cung đạn dược. Song, trong cuộc chiến tiêu hao hiện nay, lợi thế vẫn đang nghiêng về phía Nga.
Nếu giành được quyền kiểm soát Pokrovsk, Nga sẽ tiếp tục tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine nhờ địa hình bằng phẳng ở phía Tây. Ngoài ra, Nga thống trị tiền tuyến về hỏa lực, áp đảo Ukraine với tỷ lệ 10:1 ở một số nơi lớn. Lợi thế này vẫn được duy trì thậm chí cả sau khi Ukraine nhận được số lượng lớn vũ khí từ Mỹ đầu năm nay.
Nga cũng đang có lợi thế trên không nhờ vào các cuộc tấn công bằng bom lượn, một loại vũ khí dẫn đường nặng lần lượt 500kg, 1.500kg và 3.000kg có thể san phẳng các vị trí phòng thủ và tiêu diệt binh lính đối phương.
Trong khi đó, Ukraine đang gặp khó khăn trong tuyển thêm nhân lực. Ngay từ đầu cuộc chiến Ukraine đã thua Nga về số lượng binh lính ở tiền tuyến khi chỉ sở hữu khoảng 450.000 quân so với 540.000 quân của đối phương.
Theo The Economist, trong khi phần lớn quân đội Nga đăng ký tự nguyện với mức lương hấp dẫn, Ukraine ngày càng phụ thuộc vào chế độ nghĩa vụ quân sự. Các sĩ quan Ukraine thường xuyên than phiền rằng nhiều những lính nghĩa vụ không đủ điều kiện chiến đấu do tuổi tác quá cao, sức khỏe yếu kém, chưa được đào tạo bàn bản,...
Những vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do chiến dịch đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga bắt đầu từ tháng 8. Dù phải điều quân về bảo vệ Kursk, Nga vẫn tiến công ở các mặt trận Ukraine không ngừng nghỉ.
Để ổn định tình hình, Ukraine cần hỏa lực mạnh hơn. Các quan chức nước này khẳng định họ cần hệ thống phòng thủ nhiều lớp, bao gồm pháo, tên lửa, chiến đấu cơ và UAV, nhằm ngăn chặn Nga tiến công và đẩy lùi quân địch.
Ukraine cũng kêu gọi phương Tây cho phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu chiến lược sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây đến nay vẫn chưa chấp thuận và cho rằng ngay cả với chiến thuật này Ukraine cũng khó tạo ra sự khác biệt lớn.
The Wall Street Journal đầu tháng 9 đưa tin, một số quan chức cấp cao của Mỹ và châu Âu đã tới Ukraine trong 2 tuần. Nhưng các cuộc thảo luận cho thấy có sự căng thẳng thường xuyên giữa Ukraine và phương Tây.
Phương Tây được cho là đang muốn dung hòa mong muốn đẩy lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine với thực tế quân sự trên thực địa. "Kiev đã được thông báo rằng một chiến thắng hoàn toàn của Ukraine sẽ đòi hỏi phương Tây phải cung cấp hàng trăm tỷ USD viện trợ, điều mà cả Washington và châu Âu hiện đều không thể thực hiện được", WSJ cho hay.
Theo số liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp cho Ukraine hơn 200 tỷ đô la viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu, với khoản viện trợ bổ sung 110 tỷ USD đang chờ xử lý.
Theo The Economist