Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu một lần nữa nhằm nhắm đến các quốc gia ủng hộ Ukraine, cũng như hy vọng rằng áp lực kinh tế có thể giảm bớt trong tuần này với việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, Reuters đưa tin ngày 26/7 (giờ địa phương).
Liên Hợp Quốc cho biết, những chuyến tàu đầu tiên của Ukraine có thể sẽ ra khơi trong vài ngày tới theo thỏa thuận được thống nhất vào ngày 22/7, bất chấp cuộc không kích của Nga vào cuối tuần nhằm vào cảng Odesa của Ukraine.
Chi phí năng lượng tăng vọt và mối đe dọa về nạn đói mà hàng triệu người ở các quốc gia nghèo hơn phải đối mặt, cho thấy cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, hiện đã bước sang tháng thứ 6, đang có tác động lớn như thế nào.
Ngày 26/7, Quân đội Ukraine thông báo, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga ở phía Nam và các lực lượng Ukraine đã đánh trúng mục tiêu của kẻ thù.
Hồi đầu tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây rằng các lệnh trừng phạt có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng lớn trên toàn cầu.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom, trích dẫn hướng dẫn từ một cơ quan giám sát ngành hôm 25/7 cho biết, dòng khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống 33 triệu mét khối/ngày kể từ 27/7.
Đó là một nửa dòng chảy hiện tại, vốn đã chỉ bằng 40% công suất bình thường. Trước chiến dịch quân sự đặc biệt, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảnh báo rằng Điện Kremlin đang tiến hành một cuộc "chiến tranh khí công khai" chống lại châu Âu.
Các chính trị gia ở châu Âu đã nhiều lần nói rằng Nga có thể cắt khí đốt vào mùa đông này, một bước đi có thể đẩy Đức vào suy thoái và làm tổn thương người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao. Moscow cho biết họ không quan tâm đến việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho châu Âu.
Trước chiến dịch quân sự và các lệnh trừng phạt sau đó, Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.
Bích Thảo(Theo Reuters)