Lương không được trả nhưng khi xin về Việt Nam, các chủ cơ sở lại giở giọng nếu ai dám bỏ trốn sẽ chặt chân, chặt tay, thậm chí là giết bỏ không tha...
Vì không có công việc làm ổn định nên rất nhiều thanh niên đã tin lời của hai anh em Đoàn Văn Tuấn, SN 1993 và Đoàn Văn Vũ, SN 1996, cùng ở Tiên Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng, là sẽ giúp sang Trung Quốc xin việc với mức lương rất cao. Nộp một khoản tiền cố định để được "xuất ngoại", các nạn nhân đã bị anh em Tuấn đưa sang các khu sản xuất nhỏ lẻ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Được đi làm nhưng không được trả lương, mỗi ngày các nạn nhân phải lao động từ 10-14 giờ liên tục. Lương không được trả nhưng khi xin về Việt Nam, các chủ cơ sở lại giở giọng nếu ai dám bỏ trốn sẽ chặt chân, chặt tay, thậm chí là giết bỏ không tha...
|
Đối tượng Đoàn Văn Tuấn. |
Lừa đảo bằng việc môi giới việc làm
Đây là một chuyên án đã được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng thực hiện thành công trong thời gian vừa qua. Theo đó, bắt đầu từ cuối năm 2013, quá trình rà soát địa bàn, lực lượng cán bộ Biên phòng nắm được vấn đề có một số gia đình ở huyện Tiên Lãng có con em sang Trung Quốc đi lao động nhưng bị hành hạ, đánh đập rất dã man, dù rất muốn về Việt Nam nhưng vì sợ hãi trước lời đe dọa của các chủ cơ sở nên không ai dám bỏ đi.
Bên cạnh việc nắm thông tin này, lực lượng Biên phòng còn làm rõ được vấn đề, tại Tiên Lãng đang có một đường dây tổ chức vượt biên trái phép sang Trung Quốc hiện đang hoạt động rất mạnh mẽ. Từ những thông tin này, lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã nhận định, các đối tượng tổ chức sẽ có tiếp tục hoạt động nên ngay lập tức triển khai công tác điều tra, đấu tranh. Chuyên án đã được hình thành với nhiệm vụ đánh sập đường dây vượt biên trên, đồng thời giải cứu các nạn nhân đã bị lừa sang Trung Quốc.
Tiến hành rà soát gần 200 gia đình có con em đi lao động ở nước ngoài tại huyện Tiên Lãng, lực lượng điều tra đã làm rõ được việc, hơn chục trường hợp được hai anh em Tuấn và Vũ "giúp đỡ" đưa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đặc biệt là hầu hết những gia đình khi được tiếp xúc đều khẳng định đã bị lừa vì con em của họ khi sang Trung Quốc bị hành hạ rất khổ sở, làm việc không công lại còn bị đánh đập dã man. Một số gia đình đã chủ động tìm sang Trung Quốc để giải cứu con em mình về, số gia đình khác vì không điều kiện nên vẫn chấp nhận để con em ở bên xứ người chịu khổ sở.
Quá trình tiếp xúc, lấy thông tin từ các gia đình cho thấy, đối tượng Đoàn Văn Tuấn đã chủ động tìm gặp các thanh niên không công ăn việc làm trong địa phương sau đó tự giới thiệu là có thể xin được việc bên Trung Quốc với mức lương 7-8 triệu đồng. Rất nhiều người đã tin vào gã thanh niên này nên đã đăng ký để được đi "xuất khẩu lao động". Theo cam kết, các gia đình phải nộp 4 triệu đồng lệ phí để Tuấn bố trí người đưa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đối tượng này chỉ thu trước 50\%, số còn lại sẽ được trừ vào tháng lương đầu tiên.
Sau khi thu tiền xong, Tuấn sẽ tổ chức vượt biên bằng cách đi lên Lạng Sơn sau đó thông qua đường tiểu ngạch để sang phía Trung Quốc. Tìm đến một số cơ sở như sản xuất giày da, mì tôm nằm tại tỉnh Quảng Đông, các thanh niên sẽ được đưa vào đây làm việc. Cố gắng chịu đựng công việc nặng nhọc nhưng vì vài tháng liền không được nhận lương nên nhiều người đã chán nản đòi về. Tuy nhiên, thấy các trường hợp đòi bỏ, chủ cơ sở sản xuất liền trở mặt khẳng định, nếu ai dám bỏ sẽ đánh, thậm chí dọa giết.
Quá trình điều tra, lực lượng Biên phòng đã làm rõ được toàn bộ hành vi tổ chức vượt biên trái phép của Tuấn và Vũ thông qua các chứng cứ mà những nạn nhân đã bỏ trốn thành công cung cấp. Trên cơ sở tài liệu điều tra được củng cố rõ ràng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã ra quyết định bắt giữ hai nghi phạm. Sau khi bị bắt, Tuấn, kẻ đóng vai trò chủ chốt trong các vụ tổ chức vượt biên đã thừa nhận hành vi của mình.
Lời khai của Tuấn cho thấy, vì đối tượng biết nói tiếng Trung, lại có thời gian làm việc bên Quảng Đông nên có rất nhiều mối quan hệ. Dù là kẻ không có công việc ổn định nhưng được một số chủ cơ sở sản xuất bảo rằng về ViệtNam tìm lao động sẽ được trả tiền rất cao, ngay lập tức Tuấn quay lại Hải Phòng với âm mưu lừa các thanh niên sang Trung Quốc làm khổ sai. Chỉ trong 2 tháng 2 và 3-2013, Tuấn đã lừa tới hơn 10 trường hợp đưa sang Trung Quốc làm lao động. Sau khi lừa xong, Tuấn cũng ở luôn bên Trung Quốc nên rất nhiều người muốn tìm đối tượng này đều thất bại.
Để bắt giữ Tuấn, lực lượng Biên phòng đã phải bám sát rất nhiều mối quan hệ trong nước của Tuấn. Đến ngày 29/5/2014, khi Tuấn trở về Việt Nam thăm người yêu, lực lượng điều tra đã ngay lập tức áp sát bắt giữ thành công... Đánh giá về chuyên án này, lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cho biết, việc bắt được đối tượng chủ mưu cũng như làm rõ được hành vi vượt biên trái phép đã làm thức tỉnh nhiều gia đình có con em muốn sang Trung Quốc làm việc. Bản chất thật của Tuấn là một kẻ lừa đảo và các nạn nhân khi đã sang nước ngoài chắc chắn sẽ phải chịu những áp lực, khổ ải rất lớn.
Ký ức kinh hoàng
Là một trong số những lao động đã sang bên Trung Quốc theo sự sắp xếp của Đoàn Văn Tuấn, anh Phạm Xuân Quang (tên thật đã được thay đổi), SN 1994, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho đến giờ dù đã về Việt Nam được hơn 2 tháng nhưng vẫn không sao có thể quên được ký ức về những ngày đi lao động khổ sai.
Anh Quang kể lại những ngày tháng kinh hoàng, hằng ngày tất cả các lao động phải dậy từ 5 giờ sáng, chỉ được vệ sinh cá nhân trong 5 phút rồi ngay lập tức đi làm mà không được ăn sáng. Rất nhiều người vì đói quá, tụt huyết áp ngất ngay tại xưởng, chủ cơ sở chỉ cho người khênh ra chỗ râm mát một lúc, khi tỉnh dậy lại tiếp tục phải làm. Bữa cơm hằng ngày chỉ có vài cọng rau cùng chút thịt, đậu, thậm chí có hôm phải ngồi ăn bánh mì với uống nước lọc.
Lao động quần quật suốt từ sáng cho đến tận tối muộn, có hôm phải tăng ca đến tận 10 giờ đêm mới được về ngủ, ngày hôm sau lại tiếp tục như vậy. Lao động trong môi trường ô nhiễm, không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào khiến cho tất cả những thanh niên đều kiệt sức chỉ trong thời gian rất ngắn. Có rất nhiều người xin về không được bèn bỏ trốn đã ngay lập tức bị chủ cơ sở bắt lại đánh đập, ép phải nộp tiền chuộc thân, nếu không phải làm 2 năm mới cho về.
Sau khi gọi điện được về cho gia đình, người thân đã mang tiền sang gặp chủ cơ sở chuộc anh Quang về. Thanh niên này cũng là trường hợp may mắn hy hữu nhất trong số rất nhiều lao động khổ sai tại các cơ sở nói trên. Quá trình điều tra cũng đã làm rõ, không chỉ lừa các thanh niên ở Hải Phòng mà Tuấn còn dụ một số trường hợp khác ở Hà Nội, Bắc Ninh... Tất cả đều xuất thân ở các vùng quê nông thôn, không có công việc trong lúc nông nhàn.
Tất cả các trường hợp được giải cứu như anh Quang sau khi trở về Việt Nam đều có chung cảm giác sợ hãi đến tột độ khi nghĩ về những ngày tháng lao động bên Trung Quốc. Theo lời nhận xét của những người này thì mọi người bị hành hạ chẳng khác nô lệ ở các thời kỳ cổ đại, chẳng ai có thể tưởng tượng được sự khổ ải mà các thanh niên này đã phải trải qua
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-thanh-nien-viet-nam-bi-lua-ban-sang-tq-lam-no-le-kho-sai-a47869.html