Tiết kiệm an toàn nhưng không đột biến
Theo báo VnExpress, cuối năm 2022, lãi suất huy động dao động 7-10%, thậm chí có lúc lên 11-12% tại một vài nhà băng quy mô nhỏ do thanh khoản gián đoạn tạm thời khi các ngân hàng phòng thủ, sau sự cố SCB và đổ vỡ ở một số ngân hàng trên thế giới. Nhưng hiện thanh khoản hệ thống dồi dào và thậm chí dư thừa.
Lãi suất giảm kỷ lục nhưng tiền gửi vẫn chảy mạnh vào hệ thống. Cuối 2023, hơn 13,5 triệu tỷ đồng nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp gửi tại ngân hàng, tăng 14% so với năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.
Thanh khoản dồi dào là tốt nhưng tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống bất chấp lãi suất giảm sâu, theo lãnh đạo một nhà băng, cũng là tín hiệu chỉ báo dòng tiền không luân chuyển vào sản xuất hay đầu tư. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế theo lãnh đạo này, chưa thể sớm khởi sắc, do đó mặt bằng lãi suất huy động đầu vào sẽ duy trì ở mức thấp.
Hiện nay, hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất huy động 5-5,7% cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng. Một số đơn vị thậm chí hạ lãi suất về dưới 5% cho cùng kỳ hạn phổ biến này.
Lãnh đạo các ngân hàng và giới phân tích đều chung quan điểm mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2024, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.
Lãi suất thấp giúp nâng đỡ VN-Index
Bàn về kịch bản VN-Index năm nay, luận điểm chung của các công ty chứng khoán và đơn vị phân tích là chỉ số sẽ đi lên nhờ hai yếu tố hỗ trợ chính: lãi suất thấp và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong hai yếu tố hỗ trợ, lãi suất thấp được xem là luận điểm chắc chắn nhất. Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng chung của VN-Index từ Covid-19 thường đồng pha với biến động lãi suất. Với việc mặt bằng lãi suất trong quý IV/2023 rơi xuống thấp hơn giai đoạn đại dịch, VCBS cho rằng đây là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.
Bối cảnh tài chính thế giới cũng hỗ trợ rất lớn cho việc duy trì chính sách tiền tệ hiện tại. Theo Chứng khoán TPBank (TPS), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đi đến chặng cuối của quá trình thắt chặt và chờ đợi thời điểm chính sách đảo chiều. Từ đó, áp lực tỷ giá sẽ hạ bớt, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng.
Lãi suất giảm cũng hỗ trợ lợi nhuận doanh nghiệp. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) kỳ vọng đầu tư, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi hơn nữa giúp tăng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) ở hầu hết ngành. Tuy nhiên, đơn vị này lưu ý EPS từ hoạt động kinh doanh liên tục của các công ty niêm yết đã thấp hơn đáng kể so với mức từ khi xảy ra dịch, nên họ dễ bị tác động nặng nề hơn trước những "cơn gió ngược" toàn cầu hay có bất kỳ thay đổi nào mang tính trọng yếu.
Vàng khá rủi ro
Theo báo VTC News, giá vàng miếng SJC khởi đầu năm 2023 tại mức 66,6 - 67,6 triệu đồng/lượng (mua - bán) và kết thúc năm ở mức 70 - 74 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, sau một năm, giá vàng tiếp tục đánh dấu chu kỳ tăng, mang lại mức lãi 2,4 triệu đồng/lượng cho nhà đầu tư, tương đương lợi nhuận khoảng 3,55%.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lợi nhuận được tính toán vào thời điểm đầu và cuối năm. Trên thực tế, giá vàng đã có những giai đoạn tăng vọt, mang lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư.
"Nóng” nhất là trong 2 tuần cuối cùng của năm 2023, giá vàng miếng SJC liên tục tăng mạnh, lên tới hàng triệu đồng/phiên. Đỉnh điểm trong ngày 26/12/2023, giá vàng SJC đã được các doanh nghiệp điều chỉnh đến 10 lần theo xu hướng tăng và lập đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng.
Nếu so với đầu năm, kim loại quý tăng gần 13 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 19%, mức lợi nhuận rất tốt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều gặp khó.
Trong năm 2024, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng có thể ghi nhận thêm những đợt tăng mới. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, giá vàng thế giới vẫn có thể tăng tiếp để kiểm tra các mốc cao như 2.100 USD hoặc 2.150 USD/ounce. Nhưng đến hết quý I/2024, giá vàng có thể ghi nhận đợt điều chỉnh giảm mạnh hoặc sớm hơn là vào tháng 2 hoặc tháng 3.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh dù xu hướng chủ đạo của giá vàng vẫn là tăng, song dòng tiền đổ vào vàng sẽ không quá lớn vì vàng diễn biến rất thất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, vàng chỉ là kênh đầu tư phòng thủ. Giá vàng sẽ được hỗ trợ khi lãi suất ở Mỹ giảm. Với tác động của các yếu tố chính trị, giá vàng neo về mức cao như thời điểm lập đỉnh năm 2023. Song, giá vàng khó tăng mạnh trên 20% trong năm 2024 mà chỉ tăng tối đa lên mức 85 triệu đồng/lượng.
Nếu bức tranh kinh tế năm 2024 ổn định, giá vàng có thể đi ngang hoặc giảm. So với hiệu suất tăng trưởng của cổ phiếu thì đây là mức tăng không hấp dẫn, thậm chí không có nhiều kỳ vọng. Trường hợp sửa Nghị định 24 để kiểm soát giá vàng thì giá vàng trong nước sẽ càng tiến sát với giá vàng thế giới. Như vậy, tốc độ tăng của vàng sẽ không đột biến.
Ông Huấn khuyến nghị, trong năm nay, nhà đầu tư nên mua vàng ở nhịp giảm mạnh từ 5-10%. Nếu không lựa chọn đi theo công thức này, nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng "đu đỉnh".
Trong danh mục đầu tư năm 2024, vàng nên giữ quanh mức tỷ trọng 10%. Bởi nhìn lại chu kỳ 10 năm qua, từ 2011-2019, giá vàng vẫn dao động ở mốc 40 triệu đồng, không biến động. Thời điểm bán vàng ra hợp lý là năm 2025.
Thị trường bất động sản có bước chuyển mình
Đối với kênh đầu tư bất động sản, các chuyên gia nhận định năm 2024 sẽ là năm để thị trường tạo bước chuyển mình cho một chu kỳ hồi phục phát triển mới nhờ các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về pháp lý và giải pháp thúc đẩy thị trường đã có hiệu quả nhất định. Nhiều vướng mắc, khó khăn từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tổ chức tư vấn Arcadia Consulting Việt Nam dự báo giá nhà sẽ tăng lại vào giữa năm 2024. Thời điểm đó, thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn, chính thức bước vào một chu kỳ mới. Và đây mới chỉ là sự khởi đầu của những triển vọng tích cực, sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư và là kênh giữ vốn an toàn, nhưng sẽ không có hiện tượng “phi mã” như những năm trước đây...
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng nếu khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư có thể tranh thủ “bắt đáy” của thị trường bất động sản hay chứng khoán vào lúc này, nếu thấy được cơ hội đầu tư tốt.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế thì đặt kỳ vọng từ thời điểm giữa năm 2024, kênh đầu tư này bắt đầu hồi phục.
Còn TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, giá bất động sản chỉ đi về mức hợp lý, khả năng tăng trở lại rất khó. Như vậy, các nhà đầu tư cũng cần cân nhắc, lựa chọn tìm kiếm sản phẩm bất động sản có thanh khoản tốt trong bối cảnh kênh đầu tư này còn phải đối mặt nhiều thách thức.
Đối với việc nhà đầu tư nên lựa chọn bỏ tiền vào kênh nào, ông Huân cho rằng, nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể phân chia tỷ lệ nhỏ nguồn tiền sang một số kênh khác. Tuy nhiên, nguyên tắc bất di bất dịch là “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.
Vân Anh(T/h)