(ĐSPL) - Vai trò của hải quân trên thế giới đã được mở rộng nhiều thập kỷ qua để đáp ứng các nhiệm vụ và thách thức mới trong tương lai.
|
Lực lượng hải quân trong thế kỷ 21 |
Lực lượng hải quân hiện nay có trách nhiệm răn đe hạt nhân chiến lược, chống tên lửa đạn đạo, tiến hành các chiến dịch không gian, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Xét theo khía cạnh đó, tạp chí The National Interest của Mỹ xếp hạng 5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới.
Hải quân Mỹ
Không có lực lượng hải quân nào trên thế giới có tầm với toàn cầu như Hải quân Mỹ, lực lượng thường xuyên hoạt động ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương cũng như Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư và vùng Sừng châu Phi. Hải quân Mỹ cũng triển khai tàu chiến đến Nhật Bản, Châu Âu và Vịnh Ba Tư.
Hải quân Mỹ có 288 tàu chiến, trong đó 1/3 đang được triển khai khắp nơi trên thế giới. Hải quân Mỹ có 10 tàu sân bay, 9 tàu tấn công đổ bộ khổng lồ, 22 tàu tuần dương, 62 tàu khu trục, 17 kinh hạm và 72 tàu ngầm. Ngoài ra, Hải quân Mỹ còn có 3.700 máy bay, khiến nó trở thành lực lượng không quân lớn thứ hai trên thế giới. Với 323.000 binh sĩ thường trực và 109.000 nhân viên, Hải quân Mỹ cũng là lực lượng hải quân lớn nhất về quân số.
|
Tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ |
Điều làm cho Hải quân Mỹ nổi bật nhất là 10 tàu sân bay, nhiều hơn tất cả số tàu sân bay của thế giới còn lại. Không nhiều về số lượng, tàu sân bay Mỹ còn lớn gấp bội tàu sân bay của các nước khác. Thí dụ, một tàu sân bay lớp Nimitz có thể chứa được số lượng máy bay (72 chiếc) nhiều gấp đôi tàu sân bay nước ngoài lớn nhất. Không giống như tàu sân bay của các nước khác vốn tập trung chứa các máy bay chiến đấu, tàu sân bay Mỹ chứa các máy bay tấn công, trinh sát, tác chiến chống tàu ngầm và các nhiệm vụ hỗ trợ/cứu trợ thảm họa nhân đạo.
|
Tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa của Hải quân Mỹ có kích thước không kém các tàu sân bay tầm trung của hải quân các nước. |
Với 31 tàu đổ bộ, Hải quân Mỹ có lực lượng đổ bộ lớn nhất thế giới. Chín tàu tấn công đổ bộ của các lớp Tarawa và Wasp có thể mang theo máy bay trực thăng để vận chuyển binh lính hoặc làm tàu sân bay thu nhỏ, được trang bị với các máy bay phản lực tấn công như AV-8B Harrier và chiến đấu cơ tàng hình cất hạ cánh thẳng đứng F-35B.
Hải quân Mỹ có 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân, bao gồm các lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia. Hải quân Mỹ có lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược, trong đó 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio được trang bị tổng cộng 336 tên lửa hạt nhân Trident. Hải quân Mỹ cũng có 4 tàu ngầm lớp Ohio được cải tiến, mang theo 154 tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk.
Hải quân Trung Quốc
Từ một lực lượng hải quân tác chiến cận bờ với các tàu khu trục lỗi thời, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã trở thành hải quân đại dương thực sự.
|
Liêu Ninh: Tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc |
PLAN hiện có 1 tàu sân bay, 3 tàu vận tải đổ bộ, 25 tàu khu trục, 42 khinh hạm, 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân và khoảng 50 tàu ngầm tấn công thông thường. PLAN có 133.000 quân nhân, trong đó có 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến, với mỗi lữ đoàn có 6.000 binh sĩ.
Hải quân Trung Quốc còn có lực lượng không quân riêng, với các loại máy bay cánh cố định cánh và máy bay trực thăng cho tàu sân bay mới của Trung Quốc, máy bay trực thăng trên tàu đổ bộ và tàu chiến, máy bay bờ, tấn công và máy bay tuần tra. Hải quân Trung Quốc có 650 máy bay - bao gồm máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh, máy bay chiến đấu J-10 đa chức năng, máy bay tuần tra Y-8 và trực thăng chống tàu ngầm Z-9.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu sân bay Liêu Ninh. Nó được đưa vào biến chế vào năm 2012. Tàu sân bay Liêu Ninh hiện đang làm chức năng huấn luyện, đào tạo cho các tàu sân bay thực sự trong tương lai.
|
Tàu tấn công đổ bộ Type 071 của Hải quân Trung Quốc. |
Hải quân Trung Quốc hiện có 3 tàu tấn công đổ bộ Type 071, với mỗi tàu có thể mang theo 500-800 thủy quân lục chiến và 15-18 xe lội nước, các tàu đổ bộ đệm khí và máy bay trực thăng chở quân Z-8. Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng các tàu tấn công đổ bộ tương tự như tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Mỹ. Trung Quốc có kế hoạch sở hữu 6 tàu tấn công đổ bộ Type 071 và 6 tàu tấn công đổ bộ mới tương đương với tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Mỹ.
Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc khá hỗn tạp, với 60 tàu ngầm có chất lượng khác nhau. Cốt lõi của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là 3 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang, 9 tàu ngầm lớp Yuan, 14 tàu ngầm lớp Song và 10 tàu ngầm Kilo cải tiến được nhập khẩu từ Nga.
Hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc bao gồm 3 tàu ngầm tên lửa lớp Jin, với chiếc thứ 4 và thứ 5 đang được đóng. Người ta cho rằng Biển Đông cuối cùng sẽ được sử dụng như một pháo đài để răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc có kế hoạch đóng mới ít nhất 2 tàu sân bay nội địa và cuối cùng sở hữu 5 nhóm tàu sân bay tác chiến.
(còn nữa)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-luc-luong-hai-quan-hang-dau-the-gioi---ky-1-a47861.html