(ĐSPL) - Mô hình tàu sân bay nội địa mới có thể cho thấy sự thay đổi về chiến lược và tham vọng của Hải quân Trung Quốc.
Theo tạp chí The Diplomat, những hình ảnh xuất hiện gần đây trên các diễn đàn mạng cho thấy những nét phác họa về tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc.
|
Mô hình tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc được tung lên mạng |
Rõ ràng, những bức ảnh này được chụp tại một cuộc triển lãm tổ chức tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ ngày 6-8/6, cùng với một mô hình tàu ngầm Type 032 lớp Qing.
Mô hình tàu sân bay nội địa đầu tiên này có thể cung cấp một số cái nhìn sâu sắc vào tham vọng hải quân của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện có một tàu sân bay và đó là tàu sân bay Liêu Ninh được tân trang từ tàu Varyag mua với giá phế liệu của Ukraina trong năm 1998. Trung Quốc từng tuyên bố sẽ sử dụng con tàu Varyag chưa hoàn thiện này làm một khách sạn nổi. Vỏ tàu Varyag này chưa có động cơ và được kéo từ Biển Đen, qua eo biển Gibraltar và mũi Hảo vọng (Nam Phi) về Trung Quốc. Từ năm 2005, Trung Quốc bắt đầu tân trang và tái trang bị tàu sân bay Varyag mà đỉnh cao là thử nghiệm trên biển vào tháng 8/2011. Không giống như "siêu tàu sân bay" lớp Nimitz của Hải quân Mỹ, tàu sân bay Liêu Ninh không được trang bị máy phóng máy bay. Thay vào đó, các nhà cung cấp sử dụng một "cầu bật" để “phóng” máy bay J-15 (có nguồn gốc từ máy bay chiến đấu Su-27). Mặc dù được biên chế vào Hải quân Trung Quốc hồi tháng 9/2012, tàu sân bay Liêu Ninh vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu và chủ yếu được sử dụng cho việc đào tạo.
Mô hình được trưng bày tại triển lãm Quảng Đông cho thấy đây là một tàu sân bay khá lớn, có khả năng mang theo một số lượng lớn máy bay và được lắp đặt 4 hệ thống máy phóng. Đáng chú ý, ngoài các máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng, mô hình tàu sân bay mới này còn chứa được cả máy bay cảnh báo sớm. Vì thiếu máy phóng, tàu sân bay Liêu Ninh không thể cho phép máy bay hạng nặng như máy bay cảnh báo sớm cất cánh và hạ cánh.
Có suy đoán rằng tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân. Một số tính năng đáng chú ý khác là con số 18 trên thân mô hình tàu sân bay. Tàu sân bay Liêu Ninh mang số 16. Các chỉ số này cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng ít nhất 2 tàu sân bay, một dựa trên lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và một chiếc khác có gắn máy phóng. Hiện chưa rõ, khi nào thì Trung Quốc mới biến mô hình tàu sân bay mới này thành hiện thực.
Tham vọng tàu sân bay của Bắc Kinh đã chiếm phần lớn các cuộc tranh luận và suy đoán xung quanh tương lai của Hải quân Trung Quốc. Từ năm 2011, các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ ý định đóng thêm tàu sân bay để bổ sung cho Liêu Ninh.
|
Trung Quốc đang đóng tàu sân bay |
Hồi tháng 4/2013, Chuẩn Đô đốc Song Xue, Phó tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc (PLAN), thông báo với các tùy viên quân sự nước ngoài rằng tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc "sẽ lớn hơn và mang nhiều máy bay chiến đấu hơn”. Mô hình tàu sân bay tại triển lãm Quảng Đông xem ra xác nhận thông báo này.
Hồi đầu năm 2014, Tân Hoa Xã đưa tin nhà máy đóng tàu Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh sẽ đóng một tàu sân bay thứ hai trong vòng 6 năm và Trung Quốc sẽ có 4 cụm tàu sân bay. Ngoài ra, một bài viết đăng trên tạp chí quân đội Trung Quốc cho thấy tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ được đóng xong vào cuối năm 2017 và hai tàu sân bay khác cũng được hoàn tất vào cuối năm 2019.
Đáng chú ý là bài viết mô tả các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sử dụng máy phóng điện từ, giống như loại máy phóng được sử dụng trên tàu sân bay Mỹ USS Gerald Ford, thay vì máy phóng hơi nước phổ biến hơn.
|
Tàu sân bay Mỹ USS Gerald Ford |
Báo cáo thường niên 2014 của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ về khả năng quân sự của Trung Quốc nói rằng "tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc có thể sẽ đi vào hoạt động tại vào đầu thập kỷ tới”.
Rất có thể, mô hình tàu sân bay gần đây được đăng tải trên các diễn đàn internet của Trung Quốc có thể chỉ là một mô hình thiết kế và chẳng bao giờ được đóng. Tuy nhiên, nó vẫn là một chỉ số về tham vọng hải quân của Trung Quốc. Các nhà phân tích lưu ý rằng các mô hình thiết kế của Trung Quốc nên được coi trọng, vì họ thường là một dấu hiệu của những gì sắp đến trong tương lai.
Việc Trung Quốc dự kiến lắp máy phóng trên tàu sân bay sẽ mang lại khả năng tác chiến và cảnh báo sớm của hải quân lớn hơn, cho phép PLAN thực hiện tác chiến tầm xa thông qua các cuộc không kích. Việc đóng thêm nhiều tàu sân bay xem ra trái ngược với trọng tâm của chiến lược chống tiếp cận và chống thâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc, một chiến lược tập trung vào tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tàu ngầm.
Thời gian sẽ định hình tương lai của Hải quân Trung Quốc, nhưng mô hình tàu sân bay mới được trưng bày ở Quảng Đông có thể là một chỉ số hữu ích cho thấy đường hướng phát triển sắp tới.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-vong-tau-san-bay-cua-hai-quan-trung-quoc-a38228.html