Theo đài truyền hình NHK, nạn nhân trong câu chuyện trên là anh Takashima Shingo (26 tuổi) - bác sĩ nội trú tại một bệnh viện ở thành phố Kobe (tỉnh Hyogo, Nhật Bản) - đã tự sát vào tháng 5/2022.
Theo luật sư của gia đình, anh Takashima đã làm thêm 207 giờ trong một tháng, trước khi qua đời và không nghỉ một ngày nào trong suốt ba tháng.
Hồi tháng 6, cơ quan thanh tra lao động của chính phủ Nhật Bản đã đưa ra kết luận về cái chết của bác sĩ Takashima là sự cố liên quan tới làm thêm nhiều giờ. Hành vi tự sát của nam bác sĩ trẻ tuổi đã phản ánh áp lực cực lớn đặt lên vai các nhân viên y tế ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, trong cuộc họp báo vào tuần trước, Bệnh viện Trung tâm Y tế Konan đã bác bỏ những cáo buộc về việc bắt ép nhân viên làm thêm giờ.
Cũng tại cuộc họp báo, gia đình anh Takashima đã mô tả lại việc một chàng trai trẻ bị đẩy đến tuyệt vọng và bày tỏ sự đau buồn trước sự ra đi đột ngột của anh.
Mẹ nạn nhân – bà Junko Takashima cho biết con trai bà từng nói rằng “rất vất vả” và “không ai có thể giúp đỡ”. “Không có ai để ý đến con, con trai đã luôn nói với tôi như vậy. Tôi nghĩ môi trường làm việc đã đẩy con đến bờ vực thẳm”, bà Junko kể lại.
“Con trai tôi sẽ không thể trở thành một bác sĩ tốt bụng, cũng sẽ không thể cứu thêm được bệnh nhân, và đóng góp cho xã hội. Nhưng tôi chân thành mong muốn môi trường làm việc của các bác sĩ sẽ được cải thiện để điều tương tự không xảy ra trong tương lai”, bà Junko nói trong nước mắt.
Anh trai của Takashima, người không được nêu tên, cũng phát biểu trong cuộc họp báo rằng “200 giờ là một con số không thể tin được”, đồng thời chỉ trích cách quản lý nhân sự của phía bệnh viện.
Trong khi đó, Trung tâm Y tế Konan đã phản bác lại. Người phát ngôn cho biết: “Nhiều khi các bác sĩ dành thời gian tự học và ngủ theo nhu cầu cá nhân. Do mức độ tự do rất cao, nên không thể xác định chính xác giờ làm việc…Chúng tôi không coi trường hợp này là làm việc ngoài giờ và sẽ ngừng bình luận về vấn đề này trong tương lai”.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, quốc gia này từ lâu đã phải đấu tranh với văn hóa làm việc quá sức, khi mà nhân viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau phải làm thêm giờ, chịu áp lực lớn từ người giám sát, và sự tôn trọng đối với công ty.
Căng thẳng và những tổn hại về sức khỏe tâm thần thậm chí còn gây ra hiện tượng gọi là “karoshi” hay “tử vong do làm việc quá sức”, dẫn đến việc chính phủ phải ban hành các luật nhằm ngăn chặn tử vong và thương tích do làm việc quá giờ.
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy, hơn 1/4 bác sĩ toàn thời gian tại bệnh viện phải làm 60 giờ/tuần, trong khi đó 5% làm việc tới 90 giờ, và 2,3% làm việc tới 100 giờ.
Trong khi đó, người Nhật hiếm khi bộc lộ sự tức giận hay thất vọng và việc nhờ giúp đỡ bị coi là điều đáng xấu hổ. Vì vậy tư vấn tâm lý không phổ biến. Khi những cảm xúc tuyệt vọng, đau đớn lên men và phình to trong hộp kín, con người sẽ bị áp bức đến mức nổ tung.
Trong mắt nhiều người Nhật Bản, tự tử không bị coi là tội lỗi mà là một giải pháp cho vấn đề. Do đó, sự cô lập, bất lực trước cuộc sống khiến một số người tìm đến cái chết nhằm tìm kiếm sự công nhận.
Mộc Miên (Theo CNN)