(ĐSPL) – Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, sau khi ký hợp đồng với nhà đầu tư cần công khai toàn bộ dự án đó để người dân biết, theo dõi và giám sát.
Trong những năm qua, hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã tạo diện mạo mới ngành giao thông. Tuy nhiên cũng sẽ còn những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện dự án theo hình thức này.
Để tìm hiểu rõ những vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để giải đáp về những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Thưa Thứ trưởng, trong năm 2016 vừa qua, Bộ GTVT đã thực hiện được bao nhiêu dự án BOT?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong những năm vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT đã đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT từ năm 2016 trở về trước. Đặc biệt, từ năm 2013-2015 thì Bộ GTVT đã thu hút được trên 200 nghìn tỉ đồng. Trong đó đã đầu tư trên 60 nghìn tỷ đồng cho 28 trạm BOT trên QL1 đường HCM. Đây là một cố gắng rất lớn của ngành GTVT và đánh giá rất cao các nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng giao thông trong khi nguồn đầu tư rất lớn và hết sức khó khăn.
Trong quá trình thực hiện các dự án BOT, Bộ GTVT đã triển khai rất tốt Nghị định 108 của Chính Phủ về hình thức đầu tư BOT, từng bước nâng cao được nhận thức, đảm bảo được các thủ tục pháp lý cho hình thức đầu tư này. Sau khi thực hiện xong các dự án BOT thì Chính Phủ đã ban hành Nghị định 15 cũng như Nghị định 30 để phục vụ cho đầu tư bằng hình thức PPP là đưa ra những cơ chế phù hợp cho đầu tư.
Bộ GTVT cũng gặp không ít khó khăn trong việc kêu gọi những nhà đầu tư, về nguyên tắc chúng ta phải đấu thầu dự án BOT. Tuy nhiên, một thực tế đặt ra là chỉ có một số nhà thầu tham gia nên gần như là đấu thầu một nhà thầu. Đây cũng là một hạn chế trong vấn đề cạnh tranh vì năng lực của các nhà thầu chưa đủ lớn để mà tham gia đầu tư BOT.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường |
Thưa Thứ trưởng, ông có nhìn nhận, đánh giá như thế nào về những khó khăn khi thực hiện các dự án BOT?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Có thể nói trong quá trình đầu tư bằng hình thức BOT gặp không ít những trở ngại.
Thứ nhất, đó là việc chúng ta kêu gọi những nhà đầu tư BOT: Về nguyên tắc chúng ta phải đấu thầu dự án BOT. Tuy nhiên một thực tế đặt ra trong thời gian vừa qua số dự án BOT Bộ kêu gọi rất lớn nhưng chỉ có một số nhà thầu tham gia nên gần như là đấu thầu một nhà thầu. Đây cũng là một hạn chế trong vấn đề cạnh tranh mà chúng ta phải chấp nhận vì năng lực của các nhà thầu chưa đủ lớn để tham gia đầu tư BOT. Chúng ta phải chấp nhận một thực trạng như vậy mới kêu gọi được nhà đầu tư.
Thứ hai, đó là vốn của chủ sở hữu: Trong quá trình đầu tư có thể nói là vốn của chủ sở hữu. Theo quyết định của Nghị định108 chỉ chiếm 10-15%, tức là vốn này chưa đủ lớn để tạo ra động lực cho việc kêu gọi BOT, cho nên hầu hết các dự án BOT vẫn sử dụng vốn vay là chủ yếu. Việc xảy ra các rủi ro trong quá trình đầu tư là không tránh khỏi khi mà không đáp ứng được kỳ vọng tài chính.
Thứ ba, hiện nay trong quá trình thực hiện cơ chế đầu tư theo quyết định của Nghị định 108 chúng ta đang ủy quyền cho nhà đầu tư khá nhiều nội dung, trong đó có nội dung xây dựng phương án về FF, cũng như phê duyệt quyết định đầu tư. Chính vì vậy đang cần có những ràng buộc nhiều hơn nữa để đảm bảo tính khách quan hơn, minh bạch hơn trong một dự án.
Cuối cùng là quá trình thu phí hoàn vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào quyết định từ phía cơ quan nhà nước dẫn đến thời gian thu phí hoàn vốn thay đổi rất nhiều so với thực tế của một dự án.
Để giải quyết những vấn đề đó thì sau khi đầu tư xong các tuyến QL1, cao tốc… Bộ GTVT đã tổ chức tổng kết 5 năm về đầu tư BOT cũng đã rút ra những bài học. Trên cơ sở đó để mà đưa ra một số tham mưu cho chính phủ để đưa ra những cơ chế rõ rệt hơn.
Thưa Thứ trưởng, những bài học, tham mưu đó là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Thứ nhất là kiểm soát các dự án BOT, từ khâu lập FF, cho đến thiết kế và quyết toán thì đều phải có sự thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể cơ quan chủ quản là Bộ GTVT thì chúng ta mới kiểm soát được tất cả các quá trình đó.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng phương án tài chính thì cũng phải đưa ra tất cả những yếu tố để đáp ứng được dự án đó có tính khả thi cao. Ví dụ như vốn chủ sở hữu đòi hỏi phải lớn hơn, cơ quan tổ chức tín dụng đó phải cam kết cho vay…
Thứ ba là quá trình tổ chức hoàn vốn là phải đảm bảo minh bạch rõ ràng, và phải thông qua thu phí bằng công nghệ điện tử. Trước mắt là thu phí dừng, tương lai là thu phí không dừng.
Đồng thời, một yếu tố quan trọng nữa đó là khi xây dựng các tuyến BOT thì chúng ta cũng phải xây dựng những tuyến để người dân có quyền lựa chọn. Tức là người dân muốn đi vào đường thu phí thì người dân phải trả phí, còn người dân không thích thì có thể lựa chọn đi con đường khác. Tức là phải có tuyến song hành. Lúc đó chúng ta mới đầu tư BOT thì hợp lý hơn.
Đây là những bài học sau khi đầu tư giai đoạn một. Chính vì thế từ đầu năm 2016 trở lại đây thì Bộ GTVT đang tập trung quyết toán lại các dự án BOT đã đầu tư. Trên cơ sở hoàn thành các quyết toán đó thì chúng ta sẽ ký lại hợp đồng với nhà đầu tư, công khai toàn bộ dự án đó để người dân biết, theo dõi.
Tổ chức, rà soát lại việc thu phí, đảm bảo công khai, minh bạch chống thất thoát đồng thời đưa công nghệ thu phí không dừng vào để giảm bớt vấn đề ách tắc cũng như minh bạch hơn trong vấn đề thu phí.
Thưa Thứ trưởng, Bộ GTVT đã có những phương án, kế hoạch gì cho năm 2017 hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong năm 2017, Bộ GTVT cho rằng vẫn xem đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông là trọng điểm, vẫn phải đi trước một bước để phục vụ cho phát triển kinh tế. Chính vì vậy Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ triển khai song song hai nguồn vốn. Thứ nhất, bao gồm cả nguồn vốn ODA để tập trung vào công trình trọng điểm quốc gia như QL trọng điểm, các sân bay, bến cảng cũng như việc phục vụ cho sự phát triển giao thông nông thôn… để tăng cường xóa đói giảm nghèo. Còn lại thì trích ra một phần tiền nội ứng đầu tư theo hình thức PPP.
Vấn đề song song thứ hai đó là Bộ GTVT đã trình Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam với chiều dài là 1.370km, tổng mức đầu tư sấp xỉ 250 nghìn tỷ đồng. Đây là một dự án khá lớn, đòi hỏi đầu tư bài bản và có nhiều nguồn vốn.
Bộ GTVT đã đề xuất với Chính phủ là trích một phần vốn nội ứng khoảng 1/3 số vốn (sấp xỉ khoảng 90 nghìn tỷ đồng) để đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc-Nam.
Năm 2016, năm 2017 Bộ GTVT sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cũng như làm các văn bản để cuối năm 2017, đầu năm 2018 đồng loạt đầu tư 1.370km đường cao tốc Bắc-Nam và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021.
Cuối năm 2021 chúng ta sẽ đạt mục tiêu là chúng ta sẽ có trên 2.000 đường cao tốc.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 233/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí chuyển giao quyền thu phí (gồm: trạm thu phí số 2, trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, trạm thu phí Hoàng Mai và trạm thu phí Bàn Thạch trên QL1) và trạm thu phí hỗ trợ hoàn vốn BOT (gồm: 2 trạm thu phí trên QL5, trạm thu phí Tiên Cựu QL10, trạm thu phí Phả Lại QL18 và trạm thu phí Ninh An QL1). Các mức thu cụ thể như sau: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, mức phí phải nộp là 10.000 đồng/vé/lượt, vé tháng là 300.000 đồng, vé quý là 800.000 đồng. Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn, mức phí là 15.000 đồng/vé/lượt, vé tháng là 450.000 đồng, vé quý là 1.200.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn, mức phí là 22.000 đồng/vé/lượt, vé tháng là 660.000 đồng, vé quý là 1.800.000 đồng. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit, mức phí là 40.000 đồng/vé/lượt, vé tháng là 1.200.000 đồng, vé quý là 3.200.000 đồng. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn chở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit, mức phí là 80.000 đồng/vé/lượt, vé tháng là 2.400.000 đồng, vé quý là 6.500.000 đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet nên chỉ mang tính tham khảo |