Truyền thông Israel đưa tin, ngày 21/5, Na Uy đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ thực thi lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, nếu lệnh bắt giữ các quan chức này được Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thông qua.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide khẳng định nếu lệnh bắt giữ được ban hành, Oslo có nghĩa vụ phải thực thi và sẽ bắt giữ các quan chức trên khi họ đến Na Uy.
Trước đó, ngày 20/5, trưởng Công tố Karim Khan của Tòa án Hình sự Quốc tế xác nhận đang xin lệnh bắt Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 3 thủ lĩnh Hamas.
Các cáo buộc chống lại Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel gồm "gây ra cuộc tàn sát, ngược đãi, gây ra nạn đói như một biện pháp chiến tranh, chặn viện trợ nhân đạo và cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột".
Ngoài Na Uy, nhiều quốc gia châu Âu cũng tuyên bố ủng hộ lệnh bắt giữ của ICC một khi được ban hành. Tuy nhiên, Mỹ, Anh và một số quốc gia lại kịch liệt phản đối bước đi này.
Đáp lại thông báo của Trưởng công tố Karim Khan, lực lượng Hamas cho biết trong một tuyên bố, họ "lên án mạnh mẽ những nỗ lực của các công tố viên ICC nhằm đánh đồng nạn nhân với những kẻ xâm lược, bằng cách ban hành lệnh bắt giữ một số thủ lĩnh kháng chiến của người Palestine mà không có cơ sở pháp lý".
Đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, lệnh truy nã các chính trị gia Israel đánh dấu lần đầu tiên ICC nhắm vào lãnh đạo cấp cao của một đồng minh thân cận của Mỹ. Quyết định này đã đặt ông Netanyahu xếp cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người ICC ban hành lệnh bắt giữ vì cuộc chiến của Moscow với Ukraine.