Quân đội Myanmar ra thời hạn 24 giờ cho các nghị sĩ mới được bầu rời khỏi thủ đô Naypyitaw, mặc dù ban đầu quân đội cho phép các nghị sĩ ở đến ngày 6/2.
Xe bọc thép của quân đội Myanmar di chuyển trên đường phố. Ảnh: Reuters |
U Aung Kyi Nyunt , Thượng nghị sĩ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vừa tái đắc cử, cho biết các nghị sĩ có 24 giờ để rời khỏi thủ đô bằng xe quân đội.
Trước đó, các nghị sĩ Myanmar đến thủ đô Naypyitaw để tham dự phiên họp đầu tiên của quốc hội mới hôm 1/2.
Tuy nhiên đúng ngày này, quân đội tiến hành cuộc chính biến, chỉ vài giờ trước khi phiên họp bắt đầu. Họ giam giữ các nghị sĩ trong nhà khách chính phủ.
Sau khi chính biến nổ ra, một số bài viết đăng tải trên Facebook yêu cầu các nghị sĩ triệu tập phiên họp quốc hội ngay trong nhà khách, vì số nghị sĩ tại đây đã vượt quá yêu cầu tối thiểu để tổ chức phiên họp hợp lệ của quốc hội.
Sau đó, quân đội ra lệnh cho họ phải đi khỏi thủ đô Naypyitaw.
Hạ nghị sĩ Sai Thiha Kyaw - thành viên thuộc Liên đoàn Các dân tộc vì Dân chủ ở bang Shan, Myanmar - cho biết đã rời khỏi thủ đô và quay về quê nhà. Hạ nghị sĩ cho biết thêm rằng đảng sẽ họp để quyết định các bước đi tiếp theo.
"Với tư cách là nghị sĩ được bầu, tôi sẽ làm theo nguyện vọng của các cử tri của mình" - Hạ nghị sĩ Sai Thiha Kyaw cho hay.
Ngày 3/2, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cam kết sẽ huy động đủ sức ép từ cộng đồng quốc tế lên quân đội Myanmar “để đảm bảo rằng cuộc chính biến này sẽ thất bại”, hãng tin Reuters đưa tin.
"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để huy động tất cả các nhân tố chủ chốt và cộng đồng quốc tế để gây sức ép lên Myanmar nhằm đảm bảo cuộc chính biến này sẽ thất bại. Cuộc chính biến này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tôi tin rằng cuộc bầu cử này đã diễn ra một cách bình thường, cũng như sau một giai đoạn chuyển đổi lâu dài", ông Guterres tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Séc bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo hợp pháp của Myanmar và kêu gọi tôn trọng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar hồi tháng 11/2020.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan kêu gọi tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và khôi phục trật tự hiến pháp. Bộ Ngoại giao Nga cũng mong muốn các bên ở Myanmar sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực, đồng thời ra lệnh xem xét lại việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, vốn được dỡ bỏ nhờ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.
Mộc Miên (T/h)