Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc về sự can dự của Bắc Kinh đối với những diễn biến chính trị tại Myanmar.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: Reuters |
Ngày 3/2, phát biểu tại buổi họp báo của bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Uông Văn Bân phủ nhận các cáo buộc về sự can dự của Trung Quốc đối với những diễn biến chính trị tại Myanmar.
“Những đồn đại liên quan là không đúng sự thật. Là quốc gia láng giềng hữu nghị của Myanmar, chúng tôi mong tất cả các bên ở Myanmar có thể giải quyết khác biệt một cách phù hợp, đồng thời duy trì ổn định chính trị và xã hội”, ông Uông nói.
Cũng tại buổi họp báo, ông Uông Văn Bân đã thông báo về lập trường của Trung Quốc tại cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tình hình Myanmar diễn ra hôm 2/2.
Theo đó, Trung Quốc mong muốn các bên tại Myanmar tôn trọng nguyện vọng và lợi ích của người dân, thông qua đối thoại nhằm xử lý thỏa đáng bất đồng cũng như duy trì ổn định đời sống chính trị tại đây.
Tuyên bố của ông Uông được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng, Trung Quốc ủng hộ hoặc ngầm "bật đèn xanh" cho cuộc đảo chính của quân đội Myanmar.
Nguyên nhân xuất hiện tin đồn này được cho là bởi cuộc đảo chính xảy ra chỉ 3 tuần sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Myanmar, trong đó có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo quân đội.
Chuyến thăm được đánh giá là để bày tỏ ủng hộ đối với chiến thắng của đảng do bà Suu Kyi đứng đầu trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2020 và cũng để thúc đẩy các dự án mà Trung Quốc đầu tư vào quốc gia này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu. Ảnh: AP |
Trước khi xảy ra cuộc đảo chính, quan hệ của Myanmar với Trung Quốc vốn đã phức tạp vì các dự án đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng Myanmar cũng như các chiến dịch của quân đội ở dọc biên giới chung giữa hai nước.
Trong những năm qua, bà Suu Kyi xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh sau khi bảo vệ quân đội trước những chỉ trích về chiến dịch nhằm vào cộng đồng người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Điều đó có thể càng khiến lãnh đạo quân đội Myanmar bất an, đặc biệt sau khi đảng NLD của bà Suu Kyi giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vừa qua.
Sáng 1/2, quân đội Myanmar đã đột kích bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Quân đội cho biết việc bắt giữ này để phản ứng lại cuộc bầu cử mà họ cáo buộc có gian lận.
Thống tướng Min Aung Hlaing cũng là người tạm nắm quyền lãnh đạo Myanmar trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm trước khi tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Hoa Vũ (T/h)