Reuters đưa tin, ngày 3/9 dẫn lời các quan chức Mỹ rằng Mỹ sắp đạt thỏa thuận cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa có khả năng vươn sâu vào lãnh thổ Nga, nhưng Kiev sẽ phải đợi vài tháng vì Washington phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển giao.
Theo nguồn tin, việc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa không đối đất (JASSM) dự kiến sẽ được công bố vào mùa thu năm nay.
Các quan chức Mỹ cho biết, việc cung cấp JASSM cho Ukraine có thể thay đổi đáng kể bối cảnh chiến lược của cuộc xung đột, khi nhiều vùng đất của Nga nằm trong tầm bắn của loại vũ khí dẫn đường chính xác và mạnh mẽ hơn.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc cung cấp JASSM cho Ukraine có thể khiến Nga phải lùi các điểm tập kết và kho tiếp tế về phía sau hàng trăm dặm. JASSM là loại tên lửa tàng hình, có tầm bắn xa hơn hầu hết các loại tên lửa trong kho vũ khí hiện nay của Ukraine.
Được Lockheed Martin phát triển, JASSM có thể cho phép quân đội Kiev tấn công các mục tiêu cách biên giới Nga khoảng 300km hoặc lên đến 500km.
Mỹ có hai mẫu JASSM. Mẫu thứ nhất do công ty quân sự Lockheed Martin Corp sản xuất, có tầm bắn khoảng 370 km. Mẫu thứ hai có tầm bắn hơn 800 km.
Nguồn tin không tiết lộ Mỹ sẽ chuyển giao mẫu tên lửa nào.
Một nguồn tin cho biết, cũng có những nỗ lực để làm cho tên lửa tương thích với các máy bay chiến đấu không phải của phương Tây trong kho vũ khí hiện tại của Ukraine, vì cho đến nay, nước này mới chỉ nhận được lô F-16 đầu tiên.
Việc cung cấp JASSM cho Ukraine được coi là vấn đề nhạy cảm, vì sẽ gây thêm áp lực buộc Washington phải nới lỏng các hạn chế đối với việc Kiev sử dụng vũ khí của mình.
Trong nhiều tháng, Kiev đã yêu cầu phương Tây mở rộng phạm vi Ukraine được phép tấn công và cho phép sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
JASSM là loại tên lửa tàng hình, có tầm bắn xa hơn hầu hết các loại tên lửa trong kho vũ khí hiện nay của Ukraine. Năng lực này có thể gây khó cho Nga khi triển khai các hoạt động tấn công và mang lại cho Ukraine lợi thế chiến lược.
Phóng vũ khí này từ điểm gần biên giới phía bắc của Ukraine có thể tấn công các cơ sở quân sự ở tận các thành phố Voronezh và Bryansk của Nga. Ở phía nam, phóng vũ khí này gần tiền tuyến có thể tấn công các sân bay hoặc cơ sở hải quân ở tận bán đảo Crimea.
Trước đó, phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) 2024 hôm 5/6, Tổng thống Nga gọi việc phương Tây tài trợ vũ khí cho Kiev là hành động dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng và là minh chứng cho thấy các nước này đã tham gia trực tiếp vào cuộc đối đầu với nước Nga.
Cách sự kiện trên không lâu, Mỹ, Anh và Đức đồng loạt xác nhận quân đội Ukraine có thể sử dụng vũ khí do các nước này cung cấp để tự vệ trước các cuộc tấn nhắm vào vùng Kharkov.
Trong đó, quyết định của phía Washington khiến giới quan sát khá bất ngờ bởi trước đó, tổng thống Mỹ từng kiên quyết từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.