Trong các cuộc họp gần đây tại Lầu Năm Góc, các quan chức Mỹ đã nói với đại diện đến từ Kiev rằng họ không có Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) dự phòng. Việc vận chuyển ATACMS đến chiến trường ở Đông Âu sẽ làm giảm kho dự trữ của Mỹ và gây tổn hại đến sự sẵn sàng của Quân đội Mỹ cho một cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lại, tờ Politico đưa tin ngày 13/2 (giờ địa phương).
Nỗi lo lắng đó cùng với mối lo ngại hiện có của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Ukraine sẽ sử dụng các tên lửa có tầm bắn lên tới 300km để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga và vượt qua "lằn ranh đỏ" của Moscow. Đây là những lý do tại sao Mỹ không vận chuyển ATACMS tới Ukraine.
Đánh giá của Lầu Năm Góc về kho dự trữ một phần dựa trên số lượng vũ khí và đạn dược mà các nhà hoạch định nghĩ rằng Mỹ có thể cần để đối đầu với kẻ thù. Những kế hoạch đó đã không được sửa đổi nhiều kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và chưa tính toán lại những kho dự trữ mà Mỹ cần duy trì để đối mặt với một nước Nga đang suy yếu, hoặc tính tới thực tế thực tế Ukraine đang ở trong một cuộc xung đột với Nga.
Một trong những lý do khiến Quân đội Mỹ ngần ngại gửi ATACMS là do họ mong muốn duy trì một mức đạn dược nhất định trong kho dự trữ của Mỹ, một quan chức nước này cho biết.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Với bất kỳ gói hỗ trợ nào, chúng tôi luôn cân nhắc mức độ sẵn sàng và nguồn dự trữ của chính mình trong khi cung cấp cho Ukraine những vũ khí họ cần trên chiến trường. Có nhiều cách khác để cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết để tấn công các mục tiêu".
Laura Cooper, quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc về các vấn đề Nga, Ukraine và Á-Âu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng: "Với mọi vũ khí mà chúng tôi cung cấp, cho dù là HIMARS hay một loại vũ tên lửa, đạn dược cụ thể nào, chúng tôi luôn phải xem xét sự sẵn có trong kho dự trữ, chúng tôi cũng phải xem xét cả vấn đề sản xuất để đưa ra quyết định phù hợp”.
Lockheed Martin đã sản xuất khoảng 4.000 ATACMS với nhiều cấu hình khác nhau trong vòng hai thập kỷ qua. Một số tên lửa đó đã được bán cho các quốc gia đồng minh, những quốc gia đã mua tên lửa này cho hệ thống phóng nhiều tên lửa của riêng họ. Khoảng 600 quả tên lửa đã bị lực lượng Mỹ bắn trong chiến đấu trong Chiến tranh vùng Vịnh và Chiến tranh Iraq.
Một giải pháp thay thế đang được Kiev cân nhắc là yêu cầu Washington chấp thuận mua ATACMS từ một quốc gia đồng minh vận hành loại vũ khí này, sử dụng nguồn tài chính quân sự từ Mỹ. Danh sách các quốc gia sử dụng ATACMS bao gồm Hàn Quốc, Ba Lan, Romania, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Bahrain.
Bích Thảo(Theo Politico)