Theo thông tin trên RT, chính quyền Ukraine đã mở một cuộc điều tra sau khi các binh sĩ chiến đấu trên tiền tuyến nhận được một lô đạn cối bị lỗi. Ông Yury Butusov - Tổng biên tập của trang web tin tức nổi tiếng Censor.net, là người đầu tiên tiết lộ về vấn đề này.
Cụ thể, đầu tháng 11/2024, ông Butusov cho biết binh sĩ thuốc các đơn vị khác nhau đã phàn nàn về việc nhiều quả đạn 120mm trong lô đạn pháo mới nhận không nổ hoặc không thể bay xa hơn 50m. Một số quả đạn pháo được cho là mắc kẹt trong ống cối.
Ngày 6/11, ông đăng tải đoạn video do một binh sĩ ở tiền tuyến của Ukraine quay, trong đó phàn nàn về loại đạn pháo chất lượng thấp, đôi khi gây nguy hiểm cho người sử dụng, theo Kyiv Post.
Đoạn video cho thấy một ống phóng với viên đạn chưa nổ kẹt giữa nòng súng vì chất đẩy không bắt lửa. Theo lời của binh sĩ nói trên, trong một số lô đạn dược, 9 trong số 10 quả đạn mà anh cố gắng bắn đều không nổ do ngòi nổ bị lỗi.
Thuốc phóng được đóng gói ở các nhà máy trong các ống mỏng thấm nước, khiến thuốc quá ẩm để có thể cháy đúng cách. Một phần thuốc phóng có thể khiến quả đạn cối rơi xuống đất chỉ cách bệ phóng vài mét, nếu như nó phát nổ thì chính binh sĩ Ukraine có nguy cơ bị trúng đạn.
Một số pháo thủ tiền tuyến cố gắng giải quyết vấn đề thuốc phóng ẩm bằng cách lấy nó ra khỏi bao bì và đặt nó trên một bề mặt ấm. Tuy nhiên, nỗ lực này không đáng kể trong điều kiện chiến hào tiền tuyến của Ukraine thường ngập nước và các loại thuốc phóng được sấy khô sẽ trở thành mối nguy hiểm cho các binh sĩ ở gần.
Theo chia sẻ của ông Butusov, những quả đạn bị lỗi được sản xuất tại Ukraine. “Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng về mặt hệ thống”.
Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleksandr Kochetkov hôm 23/11 cho biết, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm sản xuất hầu hết các loại vũ khí chiến sự - Bộ Công nghiệp Chiến lược đến nay mới chỉ giao được 18% số đạn cối 120mm theo hợp đồng được thanh toán. Tuy nhiên, 10% số đạn được chuyển giao đã bị quân đội từ chối vì chất lượng quá kém để sử dụng trong chiến đấu.
Theo nhà phân tích này, đạn cối có chất lượng không đáng tin cậy được sản xuất trong nước đang làm suy yếu tinh thần của binh sĩ, lãng phí nguồn lực hậu cần khan hiếm để vận chuyển những quả đạn cối kém chất lượng đến cho quân đội, rồi sau đó phải trả lại chúng cho các cơ sở sản xuất.
Video ghi cảnh binh sĩ Ukraine bắn một quả đạn súng cối bị hỏng. Nguồn video: Nền tảng X
Ngày 26/11, nhà lập pháp Ukraine Maryana Bezuglaya cũng đã lên tiếng về vấn đề nói trên, cho biết rằng Bộ Quốc phòng nước này đã gửi 100.000 quả đạn bị lỗi đến tiền tuyến. Bà Bezuglaya đổ lỗi cho Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, cáo buộc ông dành quá nhiều thời gian cho "các chiêu trò PR bằng những bài thuyết trình và những cái bắt tay".
Ông Aleksey Goncharenko – một thành viên khác trong Quốc hội Ukraine đăng tải thêm nhiều đoạn video khác về cảnh các binh sĩ xử lý những quả đạn pháo có vẻ bị lỗi. “Chúng ta cần phải tiến hành một cuộc điều tra tại đây và ngay bây giờ”, ông viết trên Telegram.
Trong khi đó, ông Fyodor Venislavsky – một thành viên của Ủy ban quốc hội Ukraine phụ trách an ninh quốc gia cho biết giới chức trách đã xác định được lý do những quả đạn cối này không hoạt động bình thường.
“Tôi không thể tiết lộ chi tiết nhưng rõ ràng lý do chính là nhiệt độ giảm xuống và độ ẩm cao hơn. Những quả đạn cối này hoạt động tốt trong thời tiết khô ráo”, ông Venislavsky nói, đồng thời cho biết thêm những quả đạn pháo bị lỗi đã được thu hồi nhưng không tiết lộ con số chính xác.
Theo các bản tin và tuyên bố chính thức, quân đội Nga hôm 26/11 đã ban hành lệnh thu hồi hàng chục nghìn viên đạn pháo từ ít nhất 7 lữ đoàn chiến đấu. Thông báo của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) cho hay đạn cối 120mm do Ukraine sản xuất đã được thu hồi vì vấn đề chất lượng, nhưng không nêu rõ số lượng đạn hoặc đơn vị bị ảnh hưởng.
Cũng trong ngày 26/11, Bộ Quốc phòng Ukraine thông tin một cuộc điều tra sơ bộ chỉ ra rằng, "thuốc súng chất lượng thấp hoặc không tuân thủ điều kiện bảo quản đạn dược" có thể là lý do dẫn đến sự cố. Cũng theo tuyên bố, chi tiết đầy đủ liên quan đến vấn đề này sẽ được công khai do “tính nhạy cảm của thông tin”, liên quan tới cuộc xung đột với Nga.