Ngày 25/4, Mỹ thông báo những biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân và thực thể mà Washington cho rằng đã tham gia hỗ trợ và hậu thuẫn tài chính cho các hoạt động bán thiết bị bay không người lái cho quân đội Iran.
Theo thông báo trên trang web chính thức của Bộ Tài chính Mỹ, những thực thể và cá nhân nói trên có liên quan đến việc bán bí mật thiết bị bay không người lái cho Bộ Quốc phòng Iran và Cục hậu cần các lực lượng vũ trang nước này. Danh sách trừng phạt mới gồm 15 thực thể, 8 cá nhân và 5 tàu thuyền. Hãng hàng không Pouya Air của Iran và công ty Sahara Thunder có trụ sở ở Tehran nằm trong danh sách.
Trước đó, hôm 18/4, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào 16 cá nhân và hai thực thể liên quan đến chương trình thiết bị bay không người lái của Iran. Ngày 17/4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran.
Bên cạnh đó, Anh cũng công bố lệnh trừng phạt mới với 6 cá nhân, tổ chức cùng lệnh cấm thương mại liên quan tới ngành sản xuất UAV và tên lửa của Iran.
Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCO) của Anh ngày 25/4 cho biết gói trừng phạt mới nhắm vào hai cá nhân và bốn công ty liên quan mạng lưới sản xuất máy bay không người lái (UAV) của Iran. FCO cũng áp lệnh cấm đối với xuất khẩu linh kiện mà Tehran sử dụng trong sản xuất UAV và tên lửa.
"Cuộc tấn công nguy hiểm của Iran vào Israel có nguy cơ gây thương vong cho hàng nghìn dân thường và leo thang căng thẳng lớn hơn trong khu vực. Cùng với các đối tác, chúng tôi tiếp tục kiềm chế khả năng phát triển và xuất khẩu những vũ khí chết người của Iran", Ngoại trưởng Anh David Cameron cho hay.
Anh đã áp tổng cộng hơn 400 lệnh trừng phạt với Iran, bao gồm các biện pháp chống lại toàn bộ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và những người chịu trách nhiệm vụ tấn công quy mô lớn vào Israel.
Trước đó, Iran ngày 13/4 phóng hơn 300 tên lửa, UAV vào lãnh thổ Israel, tuyên bố đáp trả vụ tập kích vào đại sứ quán Iran ở Syria hồi đầu tháng mà Tehran cáo buộc do Tel Aviv thực hiện. Đây là cuộc tấn công trực diện đầu tiên của Iran vào lãnh thổ Israel sau hàng chục năm đối đầu căng thẳng.
Khoảng 99% vũ khí của Iran đã bị Israel cùng các đồng minh, trong đó có Anh, bắn hạ, giúp Tel Aviv giảm thiểu tối đa thiệt hại trong vụ tấn công. Tuy nhiên, những lời đe dọa ăn miếng trả miếng của hai bên khiến khu vực trải qua những ngày đứng bên bờ vực xung đột toàn diện. Tình hình hạ nhiệt sau khi Israel được cho tiến hành vụ đáp trả kiềm chế vào Isfahan của Iran và Tehran không tuyên bố trả đũa sau đó.