(ĐSPL) - Theo IHS Jane’s 360, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét đắp “đảo nhân tạo” tại các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) trên Biển Đông.
Theo dõi một tàu nạo vét qua hệ thống vệ tinh định vị GPS, AISLive đã xác nhận cáo buộc của Philippines rằng Trung Quốc đã “khơi luồng, đắp đảo” tại ít nhất 5 địa điểm ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, kể từ tháng 9/2003.
|
Diện mạo của bãi đá ngầm Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông bị Trung Quốc biến đổi theo từng thời điểm. |
Việc nạo vét nói trên là một phần của “dự án cải tạo đất” lớn mà Trung Quốc tiến hành trên một số rạn san hô và bãi cát ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Mặc dù hành động này vi phạm rõ ràng quy tắc ứng xử (DOC) có chữ ký của tất cả các bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn bác bỏ tất cả những chỉ trích bằng cách nói rằng các rạn san hô là lãnh thổ "không thể tranh cãi" của Trung Quốc và Bắc Kinh có quyền thay đổi nguyên trạng, nếu thấy phù hợp.
Để làm việc này, Trung Quốc sử dụng tàu cuốc Tian Jing Hao dài 127 m do công ty Đức VOSTA LMG thiết kế chế tạo. Với lượng giãn nước 6.017 tấn, đây là loại tàu nạo vét lớn nhất ở Châu Á. Tàu Tian Jing Hao đã hoạt động trên ở đá Châu Viên (Cuarteron Reef), đá Gaven (Gaven Reef), đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và đặc biệt ráo riết ở đá Gạc Ma (Johnson South Reef).
Được Công ty nạo vét Thiên Tân (CCCC Tianjin Dredging) đưa vào hoạt động đầu năm 2010, tàu cuốc Tian Jing Hao có máy cắt công suất 4.200 KW và chuyển số đá cát hút được qua đường ống đưa đến địa điểm “cải tạo đất”. Con tàu này có thể khơi luồng đến độ sâu 30 m, với tốc độ khai thác 4.500 m3 cát đá mỗi giờ, và rất lý tưởng cho các hoạt động nạo vét quy mô lớn.
|
Tàu cuốc Tian Jing Hao. |
Theo số liệu của AISLive, tàu cuốc Tian Jing Hao đã ở rạn san hô đá Gaven (Gaven Reef ) từ ngày 24/5. Điều này chứng thực lời các quan chức Philippines nói với IHS Jane's rằng, 3 tàu hút bùn – trong đó có tàu Tian Jing Hao và Nina Hai Tuo - đang ở đá Gaven cùng với một tàu kéo lớn. Theo các quan chức Philippines, Tian Jing Hao đang hút cát đá dưới đáy biển để đắp đảo nhân tạo.
Theo dõi các hoạt động của tàu cuốc Tian Jing Hao ở Biển Đông, AISLive cho biết con tàu này đã di chuyển giữa các rạn san hô kể từ 17/12/2013. Hình ảnh vệ tinh cung cấp cho IHS Jane khẳng định nó đã hoạt động ở đá Gạc Ma (Johnson South Reef) vào tháng 2 và tháng 3/2014.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng các công trình nổi ở các rạn san hô, bãi cát ngầm ở quần đảo Trường Sa dưới chiêu bài "giám sát mực nước biển". Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là một trong những ví dụ điển hình và công trình “giám sát mực nước biển” ở đây đã biến thành một đơn vị đồn trú của Hải quân Trung Quốc - với bến tàu, nhà kính và pháo binh bảo vệ bờ biển.
Trong trường hợp đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Trung Quốc đã đánh chiếm rạn san hô này của Việt Nam năm 1988, trong một cuộc giao tranh khiến cho 64 chiến sĩ Việt Nam thiệt mạng.
Kế hoạch được lưu hành rộng rãi trên mạng cho thấy Trung Quốc có ý định xây dựng một đường băng, nhà chứa máy bay cho máy bay phản lực, một hải cảng, tua bin phát điện bằng sức gió và nhiều nhà kính trên “đảo nhân tạo” Gạc Ma. Kế hoạch đầu tiên được công bố vào năm 2012 và sau đó được Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 trực thuộc Công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (China State Shipbuilding Corporation) mặc dù sau đó đã được gỡ khỏi trang web của viện này.
|
Kế hoạch của Trung Quốc xây dựng trên "đảo nhân tạo" ở quần đảo Trường Sa. |
Hệ thống cầu cảng mà Bắc Kinh sẽ xây dựng ở đây có thể đón các tàu quân sự ít nhất là loại 50 ngàn tấn. Đường băng sân bay trên “đảo nhân tạo” này có thể dùng để hạ cất cánh máy bay ném bom H-6 và các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 của Trung Quốc với bán kính tác chiến bao trùm eo biển Malacca.
Sự khác biệt chính giữa các hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa là Trung Quốc xây dựng “đảo nhân tạo” trên các rạn san hô phần lớn ngập chìm dưới nước khi thủy triều lên, trong khi các bên tuyên bố chủ quyền khác xây dựng trên các đảo nổi hiện có.
Hiệu quả chiến lược nạo vét và cải tạo đất của Trung Quốc là làm “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông kể từ sau trận Gạc Ma năm 1988. Nếu việc xây dựng đảo nhân tạo hoàn thành như trong các mẫu thiết kế về đá Gạc Ma, Trung Quốc sẽ có đường băng đầu tiên tại quần đảo Trường Sa và làm căn cứ để áp đặt chủ quyền đối với các tính năng trên biển lân cận.
Những hành động “khơi luồng, đắp đảo” của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã khiến cho Philippines lo ngại. Phó phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte, nói với các phóng viên vào ngày 13/6 rằng, người Trung Quốc đã "rất ráo riết bành trướng ở Biển Tây Philippines (Biển Đông) và rõ ràng là các bước đi này được thiết kế để thúc đẩy lý thuyết của họ về đường chín đoạn".
|
Phó phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines, bà Abigail Valte: "Trung Quốc ráo riết bành trướng ở Biển Tây Philippines (Biển Đông)". |
Đáp lại, Philippines đã kêu gọi một lệnh cấm xây dựng ở các đảo tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa. Ngày 16/6, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Manila và cáo buộc Manila “đạo đức giả”.
Dẫn nguồn tin quân sự và ngoại giao Trung Quốc, tạp chí Kanwa Defense Review có trụ sở ở Canada cho biết chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ thị cho Hải quân Trung Quốc xây dựng cái gọi là “tàu sân bay không thể đánh chìm” ở đá Gạc Ma hoặc Vành Khăn để ngăn chặn Mỹ tiến vào Biển Đông. Ông Tập Cận Bình đã đích thân phê duyệt xây dựng 2 đảo nhân tạo trở lên, đồng thời thúc đẩy tiến độ các hoạt động xây dựng ở đó. Điều này cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng có xu hướng cứng rắn trong vấn đề Biển Đông.
Chủ bút của tạp chí Kanwa Defense Review cho rằng mục đích chủ yếu của Bắc Kinh là "cách ly" Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ với Biển Đông hoặc ngăn chặn hạm đội này vào Biển Đông từ eo biển Malacca hay qua biển Celebes.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/muu-do-dap-dao-cua-trung-quoc-o-truong-sa-a52069.html