Mướp đắng (còn gọi là khổ qua), thuộc họ bầu bí, là loại quả có hàm lượng vitamin C đứng hàng đầu trong các loại rau, dưa, bí,… Mướp đắng có tác dụng phòng bệnh xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, kháng ung thư, nâng cao sức đề kháng, phòng cảm mạo, bảo vệ tim.
Ngoài ra, chất glycoside của mướp đắng có tác dụng giảm đường trong máu nên có tác dụng trị liệu bổ trợ đối với bệnh đái tháo đường.
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, hạt bổ thận tráng dương…
Tuy mướp đắng rất tốt, nhưng chính vì loại quả này có nhiều dược tính nên không phải ai cũng nên ăn. Đặc biệt, với những người sau cần rất thận trọng khi ăn mướp đắng:
Người huyết áp thấp, tiền sử huyết áp thấp
Người bị bệnh huyết áp thấp hoặc từng có tiền sử huyết áp thấp thì không nên ăn nhiều mướp đắng. Nguyên nhân, công dụng của mướp đắng là giảm huyết áp và hạ đường trong máu, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của những người mắc bệnh huyếp áp thấp.
Nếu lỡ ăn nhiều mướp đắng, người bệnh có thể bị huyết áp thấp hơn, gây hạ đường huyết, đau đầu, hoa mắt và chóng mặt vô cùng nguy hiểm.
Người bị bệnh gan, thận
Với những người bị các bệnh về gan và thận, khi ăn mướp đắng sẽ khiến lượng enzym trong gan tăng cao. Bên cạnh đó, các chất trong mướp đắng còn có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.
Mướp đắng rất khó tiêu, có thể gây đầy hơi, chướng bụng. Đối với những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) cũng nên tránh xa loại rau có vị đắng này.
Người bị bệnh tiểu đường
Mướp đắng có thể giúp giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vô cùng hiệu quả.
Nếu bạn đang uống thuốc để hạ thấp lượng đường trong cơ thể, thì việc ăn mướp đắng sẽ có thể phản tác dụng và làm giảm mức đường trong máu của bạn xuống thấp hơn mức cho phép.
Người có bệnh về tiêu hóa
Đối với người khỏe mạnh, ăn mướp đắng có thể giúp kích thích tiêu hóa và làm tăng tiết men tiêu hóa. Tuy nhiên, với những trường người có hệ tiêu hóa yếu thì không nên ăn món ăn này.
Người thiếu canxi
Mướp đắng chứa nhiều axit oxalic, chất này có thể ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Vì vậy, người bị thiếu canxi như trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh loãng xương… không nên ăn mướp đắng.
Người trước và sau phẫu thuật
Mướp đắng có thể làm cản trở quá trình kiểm soát đường huyết, đặc biệt là với những người trước, trong hoặc sau phẫu thuật. Vậy nên để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực, bạn nên dừng ăn mướp đắng 2 tuần trước khi lên bàn mổ.
Phụ nữ đang mang thai và sau sinh
Phụ nữ đang mang thai và sau sinh thường có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn bình thường, đặc biệt là chất xơ và chất béo. Mướp đắng lại là loại quả rất ít chất xơ và chất béo nên sẽ không phù hợp.
Ngoài ra, ăn mướp đắng còn có thể làm giảm đường huyết gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi. Không những thế, ăn mướp đắng còn có nguy cơ kích thích tử cung dẫn đến tình trạng sinh non.
Trên đây là những ai không nên ăn mướp đắng. Hy vọng thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.
Thùy Dung (T/h)