(ĐSPL) - Trong khu vực chế biến chưa đầy 40 m2, các dụng cu như bếp than, chảo nhôm dính máu động vật. Hóa chất Formaldehyde được đựng trong các can màu trắng.
Cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ một người đàn ông họ Lý sau khi khám xét xưởng chế biến "tiết vịt" ở thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Tại khu bếp của căn nhà 2 tầng, cơ quan chức năng phát hiện chất Formaldehyde trong dung dịch ngâm tiết. Formaldehyde là chất hóa học cực độc có thể gây ung thư.
Theo lời khai của Lý, ông mua tiết bò, dê từ các lò mổ gần đó, trộn chúng với nhau để thành tiết vịt. Sau đó, Lý ngâm những phần tiết đỏ trong dung dịch hóa chất nhằm giữ cho chúng lâu hỏng.
Trong khu vực chế biến chưa đầy 40 m2, các dụng cu như bếp than, chảo nhôm dính máu động vật. Hóa chất Formaldehyde được đựng trong các can màu trắng.
Quanh khu vực chế biến, mùi tanh và hôi thối tỏa bốc lên nồng nặc.
Những miếng tiết đông được ngâm trong dung dịch độc hại. Lý sẽ vớt chúng lên và cung cấp cho khách hàng theo yêu cầu. Lực lượng chức năng đã tịch thu 20 hộp đựng tiết vịt ngay tại hiện trường.
Truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa tin về các vụ bê bối an toàn thực phẩm. Hồi đầu tuần, cảnh sát nước này triệt phá một cơ sở sản xuất 20.000 tấn muối kém chất lượng.
Trước đó, khoảng tháng 10/2014, cơ quan chức năng TP. HCM phát hiện một điểm sản xuất tiết lợn luộc “bẩn” tại 174B/6B ấp 2, xã An Phú Tây.
Theo cơ quan chức năng, cơ sở này đã gom tiết lợn không rõ nguồn gốc rồi luộc lên bằng phương pháp thủ công, không bảo đảm vệ sinh. Thành phẩm sau khi luộc được đổ trực tiếp xuống nền nhà dơ bẩn. Khi vớt một mẫu tiết lợn đã qua sơ chế, bằng mắt thường quan sát trực quan cũng dễ dàng nhận thấy tiết đã chuyển sang màu xanh đen, ôi thiu, biến chất…
Trước đó, vào tháng 9/2013, cơ quan chức năng quận Thủ Đức phát hiện căn nhà số 1011/1A Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, Thủ Đức chứa khoảng 1.145 kg thịt heo, nội tạng heo, huyết heo đã bốc mùi hôi thối.
Bà Điệp (chủ số hàng trên) cho biết, số nội tạng và thịt heo nói trên bà Điệp thu mua của những người bán trôi nổi trên địa bàn tỉnh Bình Dương đem về sơ chế và bỏ mối cho các quán ăn, quán cơm bình dân.
Formaldehyde độc hại cỡ nào?
Formaldehyde (thường gọi là foc-môn) là một chất cực độc và có thể gây tử vong. Đây là một hợp chất vẫn dùng để ướp xác. Nếu sử dụng hoá chất này trong xử lý thực phẩm, thực phẩm có thể lưu giữ được thời gian vô cùng lâu. Nhưng tác hại mà nó gây ra thì cũng vô cùng lớn.
Nếu cố tình dùng quá nhiều trong công nghệ xử lý thì nó có thể gây tử vong do ngộ độc. Chỉ cần đạt 0,5 – 0,8µg/kg là đã đủ gây chết một nửa động vật thực nghiệm. Mặc dù tác dụng gây ung thư không mạnh và không rõ ràng nhưng tác dụng gây quái thai thì không cần phải bàn.
Đây là một chất hoá học gây quái thai mạnh, ngay từ liều nhỏ, chưa đến 200µg/kg. Về tác hại trên các mô bề mặt như da, niêm mạc, đây là một chất kích thích mạnh. Hơi của chúng hoặc mùi của chúng dễ dàng làm chảy nước mắt, nước mũi, dịch phế quản. Các tác hại khác có thể gặp đó là kích ứng da, viêm da, giảm tế bào lympho ngoại vi. Một số báo cáo cho thấy nó có thể làm biến đổi DNA.
Để chứng minh tác hại của hoá chất bảo quản khi lạm dụng, chúng ta cùng xem tác động của clorin, là một chất bảo quản thịt hay được dùng.
Chất này có khả năng gây kích thích mạnh hệ hô hấp. Mặc dù không có những bằng chứng rõ ràng về ung thư và quái thai nhưng đây là một chất oxy hoá mạnh và có thể gây ra các phản ứng viêm trong phổi. Ở một nồng độ cao hơn 60ppm thì nó có thể gây ra phá huỷ phổi. Nếu chúng ta hít thở với nồng độ trên 1000ppm hoặc ăn vào với một hàm lượng tương đương thì có thể gây tử vong tại chỗ. Điều đó cho thấy, clorin là một chất cực độc
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, formaldehyde là chất kịch độc, không được sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào, đồng thời không được sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, vì có tính sát trùng cao nên vẫn được gian thương sử dụng. Các loại thực phẩm được ngâm formaldehyde sẽ kích thích gây cay niêm mạc mắt, đỏ mắt, kích thích đường hô hấp trên gây chảy mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi. Đây cũng là một chất hoá học gây ra tình trạng quái thai rất mạnh.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
[mecloud]CVLx4sxxDi[/mecloud]