+Aa-
    Zalo

    Múa sư tử mèo Tày, Nùng- nét đẹp văn hóa xứ Lạng

    (ĐS&PL) - Múa sư tử mèo của đồng bào Tày, Nùng (tỉnh Lạng Sơn) như một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp lễ, Tết.

    Thể hiện tinh thần tự cường của người Tày, Nùng

    Múa sư tử mèo là phong tục truyền thống của người Tày, Nùng tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia và Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn). Đây cũng là một tín ngưỡng mang những nét đặc trưng nguyên bản của cư dân bản địa.

    Theo Thạc sỹ Lý Viết Trường, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Múa sư tử là loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc của các tộc người Nùng, Tày tỉnh Lạng Sơn. Trò diễn này đã có từ lâu đời, gắn với quá trình chinh phục tự nhiên và chống giặc bảo vệ quê hương.

    Trò diễn này xuất phát từ văn hóa bản địa, mang trong mình cơ tầng văn hóa Nùng và Tày. Sau này trong quá trình biến thiên của lịch sử, trò diễn đã tiếp nhận thêm những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa".

    mua su tu meo tay nung net dep van hoa xu lang 1
    Cảnh tập luyện múa sư tử chuẩn bị cho ngày hội

    Múa sư tử mèo thường được biểu diễn vào mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán và một số dịp đặc biệt như ngày hội xuống đồng (lễ hội Lồng Tồng), Trung thu, lễ khởi công, vào nhà mới...

    Trong tiếng dân tộc Nùng, sư tử mèo là “kỳ lằn”, tức kỳ lân - một trong Tứ linh: long, lân (kỳ lân), quy, phụng (phụng hoàng). Cái tên sư tử mèo là cách gọi dân dã của người địa phương với con vật thần thoại.

    Người dân địa phương nơi đây quan niệm sư tử là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt. Sư tử đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Trong các ngày hội đầu năm, múa sư tử không chỉ là hoạt động làm nên sức sống của ngày hội, tạo không khí sôi động, lôi cuốn mà còn là một hoạt động thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    "Múa sư tử mèo phản ánh công cuộc chinh phục tự nhiên, khai phá ruộng nương xây dựng bản mường. Phản ánh cuộc chiến chống giặc phỉ, giặc ngoại xâm, thể hiện tinh thần tự cường của người Nùng, Tày", thạc sĩ Lý Viết Cường cho biết thêm.

    Điệu múa sư tử mèo nhằm mục đích xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu múa võ càng mạnh mẽ càng hay. Vào mỗi dịp đầu năm mới, hay những dịp lễ quan trọng, bà con đồng bào Tày, Nùng thường mời các đội múa sư tử vào nhà mình múa để xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xấu, mang lại sự vui vẻ, may mắn.

    Múa sư tử mèo – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

    Múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, chứa đựng nhiều thành tố, như âm nhạc, mỹ thuật, múa....trong đó múa là chủ đạo, nhưng không tách rời khỏi các thành tố khác. Đi đôi với múa là biểu diễn các bài quyền, kiếm, binh khí, đạo cụ không thể thiếu như: Mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ), chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả), đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn…

    mua su tu meo tay nung net dep van hoa xu lang 2
    Màn biểu diễn múa sư tử của các nghệ nhân ở huyện Bình Gia, Lạng Sơn

    Ông Lâm Văn Đầm (xã Quang Trung, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn)- nghệ nhân ưu tú của loại hình múa sư tử mèo cho hay, đây là những điệu múa mà cha ông truyền lại. Ngay từ nhỏ, ông đã tiếp xúc với những điệu múa này khi xem bố và các cụ trong làng biểu diễn.

    "Ngay từ khi 6-7 tuổi tôi đã tò mò, hứng thú với những điệu múa này. Sau đó, tôi đi theo bố, các chú, các bác trong làng đi biểu diễn múa sư tử khắp nơi. Đến nay, tôi đã có gần 60 năm biểu diễn múa sư tử mèo và có thể thực hiện nhuần nhuyễn các màn múa sư tử khác nhau", ông Đầm cho hay.

    Theo ông Đầm, có rất nhiều điệu múa sư tử. Tùy vào không gian, địa điểm, nghi thức....múa sư tử mèo sẽ có những điệu múa và trò diễn phù hợp. Các điệu múa sư tử mèo nổi bật như múa ở miếu, múa chúc năm mới, múa đón bạn chào nhau...Đặc biệt, điệu múa sư tử mèo trong lễ hội Lồng Tồng của người dân Lạng Sơn được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, được người dân địa phương cũng như các du khách mong đợi nhất.

    Trong lễ hội Lồng tồng, múa sư tử được chia thành hai phần chủ yếu là múa sư tử và múa võ (oóc quyền). Múa sư tử thường có: múa sư tử đón (chào) bạn (kỳ lằn tò chiếp); múa lễ Thành hoàng làng, thổ địa; múa biểu diễn: múa chào Thần Nông, múa vui hội, trò múa của báo đông, trò vui của khỉ, trò sư tử đẻ con, trò sư tử bị giết hoặc múa săn sư tử, trò tẳng giảo (chồng người). Múa sư tử xong, các đội chuyển sang múa võ với các bài tay không, gậy, dao, đoản đao, đinh ba…Ngoài các bài võ trên ở một số nơi còn múa “mạy xiến phung” hoặc “chất liền” (một cây gậy dài bằng gỗ hoặc tre) để xua đi những điều không may mắn, tai họa, dịch bệnh.

    Theo ông Đầm, mỗi đội múa sư tử mèo có khoảng 8 - 16 người, gồm người múa cầm đầu sư tử và các thành viên đeo mặt nạ đười ươi, mặt khỉ, cầm trên tay binh khí như đinh ba chạc, đoản đao, kiếm. Múa sư tử có động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, chào và kính bái các ngôi miếu, gian thờ....

    mua su tu meo tay nung net dep van hoa xu lang 3
    Liên hoan múa sư tử huyện Bình Gia, Lạng Sơn

    Ông Đầm cho hay, đầu tư tử mèo hình tròn, bán kính khoảng 50cm, được làm bằng đất sét nặn rồi nung qua lửa. Sau đó, được sơn trang trí sặc sỡ với các gam màu chủ đạo là xanh, đỏ, đen, vàng, trắng với nét mặt hung dữ.

    Sư tử mèo có mắt to, mũi to, miệng rộng, tai nhỏ và chếch ra phía đằng sau; có râu bằng vải đỏ và đặc biệt là có 3 chiếc sừng. Ngoài ra, cổ sư tử mèo được làm từ 3 hay 4 mảnh vải khâu lại với nhau và thường được gắn một lớp "bờm" bằng len màu xanh lá để thêm nổi bật và tạo sự uyển chuyển khi múa.

    XEM THÊM: Kết thúc ngày làm việc cuối cùng năm cũ, dòng xe ùn ùn rời Hà Nội

    Với những giá trị văn hóa truyền thông trên, múa sư tử mèo của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn đã được bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch công nhận là loại hình di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.

    Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có khoảng 100 đội múa sư tử mèo, với gần 1.000 nghệ nhân tuổi từ 12 đến 55 tham gia biểu diễn cùng hàng chục nghệ nhân làm đầu sư tử mèo.

    Các nghệ nhân ngoài tham gia biểu diễn đang tích cực truyền dạy lại các nghi thức của trò diễn cho các con cháu, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị những nét đẹp văn hóa của loại hình di sản độc đáo này.

    "Về mặt tín ngưỡng, trò diễn này gắn với tâm linh nên phải tuân thủ nguyên tắc những quy định của nghề. Trong ăn uống, sinh hoạt, biểu diễn....Về đội hình, một đội múa sư tử cần phải có sự phân chia các chức vụ, người đứng đầu, các thành viên. Mỗi người đều đảm nhiệm những vai trò khác nhau. Trong ứng xử phải đảm bảo sự tôn trọng, quy tắc trên dưới...", Thạc sỹ Lý Viết Trường cho hay.

    Hoàng Yên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-su-tu-meo-tay-nung-net-dep-van-hoa-xu-lang-a610191.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan