Từ 5 phân vàng mỗi tháng đến căn nhà ở TP.HCM
Vàng nổi tiếng vì khả năng bảo toàn giá trị lâu dài. Mặc dù biến động giá ngắn hạn xảy ra phổ biến, dữ liệu lịch sử đã chỉ ra rằng kim loại quý này luôn duy trì giá trị trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục và giảm thiểu rủi ro nên cân nhắc phân bổ một phần vào vàng, thay vì chỉ tập trung lợi nhuận ngắn hạn.
Đó là câu chuyện của Thu Mai (SN 1995, Hà Nội) đang làm giáo viên và có nghề tay trái là bán hàng online, với tổng thu nhập là 12 - 15 triệu đồng/tháng.
Thu Mai tạo thói quen mua vàng hàng tháng từ cách đây 3 năm. Sau khi nhận tiền lương, cô luôn trích ra một khoản để mua vàng đầu tiên. Thu Mai thường chọn mua vàng ở cửa hàng lớn của Bảo Tín Minh Châu, DOJI và Bảo Tín Mạnh Hải. Bởi cô đánh giá, mua vàng tại đây sẽ không bị mất giá, đồng thời có đầy đủ vỉ nên thuận tiện cất giữ và bảo quản.
Hàng tháng, Thu Mai thường mua 1 chỉ vàng. Tuy nhiên vào những thời điểm cần tiền cho các nhu cầu tài chính khác, Thu Mai giảm xuống còn 0,5 chỉ. Bên cạnh đó, trong các ngày kỷ niệm như sinh nhật, cô nàng cũng tự tặng bản thân món quà là 1-2 chỉ vàng nhẫn tròn trơn.
Trong những ngày đầu năm, Thu Mai sẽ bán vàng vàng vào ngày vía Thần Tài vì đây là thời điểm giá tăng cao. Sau đó, cô nàng sẽ bắt đầu mua lại 1 chỉ vàng để tích lũy cho năm kế tiếp.
Thu Mai mua vàng với mục đích đầu tư trong thời gian dài, tận dụng số tiền nhàn rỗi đang có chứ không có ý định “lướt sóng” kiếm lời nhanh. Cô nàng luôn duy trì mục tiêu: “Chỉ bán vàng khi thấy có lợi nhuận, chứ không phải vì thiếu tiền". Cũng bởi suy nghĩ nếu lưu trữ vàng lâu thì không bao giờ bị thiệt, do đó Thu Mai chưa từng bị lỗ khi chơi vàng, theo thông tin trên Phụ nữ mới.
Một trường hợp khác là cô Ngô Cẩm (SN 1960, TP.HCM) đã sở hữu được căn nhà ở TP.HCM sau 15 năm bằng phương pháp trích tiền mua vàng mỗi tháng.
“Công việc của tôi là làm giáo viên; so với mặt bằng chung thì mức lương cũng không phải là cao. Trong khi gia đình lại có rất nhiều khoản phải chi tiêu, con cái còn nhỏ nên thú thực khi tiết kiệm theo cách này tôi cũng thường xuyên bị thiếu hụt trong chi tiêu.
Nhưng tôi nghĩ rằng việc thuê nhà trọ tốn tiền quá, nên cần có một căn nhà ở cho ổn định. Bởi ông bà ta đã nói rồi, an cư thì lạc nghiệp nên tư tưởng của tôi đã xác định bản thân phải tích luỹ càng sớm càng tốt”, Trí thức trẻ dẫn lời cô Ngô Cẩm.
Theo đó, cô Ngô Cẩm bắt đầu tích trữ vàng từ năm 1985. Cô Cẩm cho biết, sau khi lấy chồng vào năm 25 tuổi, cô đã bắt đầu thói quen tích trữ vàng mỗi tháng.
“Cách tích cóp vàng của tôi khá đơn giản. Mỗi tháng tôi sẽ để dành tiền ra đủ mua 5 phân vàng. Tháng này mua 5 phân thì đến tháng tới, tôi sẽ mang 5 phân đó ra tiệm vàng. Tôi đưa chủ cửa hàng miếng vàng 5 phân trước đó đã mua, và số tiền mua thêm 5 phân vàng nữa; lúc đó tôi sẽ có 1 chỉ mang về.
Cứ thế tôi tiết kiệm và mua 5 phân vàng/tháng liên tục trong vòng 5 năm, giai đoạn từ năm 1985-1990 được 3 cây vàng. Từ năm 1990-2000, khi thu nhập tốt hơn, tôi tăng mua lên 1 chỉ vàng/tháng hoặc có tháng sẽ mua nhiều hơn. Sau 10 năm, tôi có thêm 17 cây vàng”, cô Cẩm nhớ lại.
Sau 15 năm áp dụng phương pháp này, tới năm 2000, cô Cẩm đã tích luỹ được trong tay 20 cây vàng. Cô dùng số vàng này để mua 1 căn nhà hơn 100m2 ở quận 10. Lúc này cô còn thiếu 2 cây vàng mới đủ tiền nên vay đã vay bạn bè. Không lâu sau, cô Cẩm cũng trả hết nợ.
Kinh nghiệm mua vàng tích trữ sinh lời cao
Đầu tư vàng là việc mua và nắm giữ vàng với hy vọng rằng giá của nó sẽ tăng trong tương lai, từ đó nhà đầu tư bán đi với giá cao hơn để kiếm lời.
Chia sẻ trên báo VnExpress, theo ThS. Lê Tấn Lam Anh, có 5 nguyên tắc nhà đầu tư cần nắm chắc khi mua vàng tích trữ để làm "của".
Nguyên tắc 1: Chỉ mua vàng bằng tiền nhàn rỗi. Tiền nhàn rỗi là tiền không được sử dụng đến trong vòng ba năm, sau khi trích lập quỹ tiêu dùng, quỹ phòng ngừa rủi ro và nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguyên tắc 2: Cuối năm, dựa vào tình hình kinh tế thế giới và trong nước để dự báo diễn biến của giá vàng. Nếu giá vàng được dự báo sẽ tăng cao hơn lãi suất ngân hàng (trong năm) thì nên mua vàng.
Nguyên tắc 3: Không mua vàng khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trên 500.000đ/lượng (có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng từ 6-7 triệu đồng/lượng, mà mọi người vẫn đội mưa, xếp hàng đi mua vàng). Không bán vàng khi giá mua vào của các tiệm vàng thấp hơn giá bán ra nhiều.
Nguyên tắc 4: Phải phân tích kỹ lưỡng và dự báo tương đối chuẩn giá vàng thế giới để tìm ra cơ hội mua hay bán vàng. Nếu không biết, thì phải nhờ đến chuyên gia phân tích kỹ thuật tài chính có kinh nghiệm.
Nguyên tắc 5: Tuyệt đối không nên lướt sóng vàng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, rất lâu rồi giá vàng mới tăng mạnh như thời gian gần đây, vì vậy nhà đầu tư đang ôm vàng có thể nghĩ đến việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận hấp dẫn.
Cũng theo ông Thịnh, thị trường vàng nhiều năm qua cho thấy, khi giá vàng leo thang hoặc biến động bất thường là lúc các nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng, nên đầu tư dài hạn thay vì đầu cơ lướt sóng.
"Nhà đầu tư không nên "bỏ trứng vào một giỏ" mà cần quan sát, cân nhắc kỹ đến các kênh đầu tư khác như nhà đất, tiết kiệm, chứng khoán, trái phiếu", ông Thịnh nói.
Vân Anh(T/h)