Theo tin tức trên báo Đầu tư, tính đến ngày công bố thông tin 3/1/2025, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 đạt 445.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2023. Đây là mức tăng mạnh nhất chỉ sau năm đỉnh cao 2020-2021.
Mặc dù vậy, xét về cơ cấu nhóm ngành, trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 vẫn còn vấn đề đáng lo, khi cơ cấu phát hành ngày càng lệch về nhóm ngân hàng với tỷ trọng lên tới 68,3%.
Dù thị trường tăng trưởng gần 30%, song riêng nhóm ngân hàng tăng 55%, bất động sản tăng 15%, trong khi nhiều nhóm ngành suy giảm. Đặc biệt, trái phiếu doanh nghiệp ngành sản xuất gần như mất hút khỏi thị trường, trong khi năm 2023 chiếm tỷ trọng tới 8%.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết trên Tuổi trẻ, ngân hàng tăng mạnh phát hành qua kênh trái phiếu còn để ổn định nguồn vốn.
"Lãi suất tiền gửi đang nhích dần lên, phát hành trái phiếu được ưa thích hơn bởi tính ổn định. Thậm chí, dù lãi suất tiền gửi cao hơn so với trái phiếu, nhưng bù lại với kỳ hạn dài 5-7-10 năm, không lo rút ra rút vào ảnh hưởng thanh khoản, ngân hàng sẽ chủ động tính toán nguồn vốn hơn", ông Huân nói.
Lý giải vì sao khu vực sản xuất kinh doanh "vắng bóng" trên thị trường trái phiếu, ông Huân cho biết kênh này chủ yếu hướng tới các doanh nghiệp muốn huy động vốn trung và dài hạn như bất động sản, năng lượng...
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp sản xuất thường muốn bổ sung vốn lưu động, ngắn hạn. Chưa kể, các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành cũng không nhiều, chi phí phát hành rất cao cùng mức lãi suất phải hấp dẫn.
"Muốn phát hành ra công chúng càng khó, vừa phải đáp ứng được tiêu chuẩn phát hành từ cơ quan quản lý, vừa cần có uy tín, được xếp hạng tín nhiệm cao mới hy vọng có nhà đầu tư mua...", ông Huân nói.
Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, trong năm 2025, các chính sách phù hợp sẽ được đưa ra nhằm thu hút nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm bù đắp sự thiếu hụt của nhà đầu tư cá nhân sắp tới.
Việc cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro (Risk-Base Capital) và việc “nới” quy định về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm… sẽ kích thích dòng vốn đổ vào thị trường này.