+Aa-
    Zalo

    MSeafood "đối mặt" với kết luận trốn thuế của CBP, Tập đoàn Minh Phú đang làm ăn ra sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù đang phải đối mặt với kết luận "trốn thuế" của CBP (Mỹ), Thủy sản Minh Phú vẫn báo lãi quý III tăng 61% với lợi nhuận sau thuế ở mức 166 tỷ đồng.

    Mặc dù đang phải đối mặt với kết luận "trốn thuế" của CBP (Mỹ), Thủy sản Minh Phú vẫn báo lãi quý III tăng 61% với lợi nhuận sau thuế ở mức 166 tỷ đồng. 

    Lợi nhuận sau thuế quý III/2020 của Tập đoàn Minh Phú ở mức 166 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Như đã đưa tin, ngày 13/10, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đưa ra thông báo khẳng định đã có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (MSeafood)- một chi nhánh của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế CBPG của Mỹ.

    Thông báo của cơ quan này kết luận rằng, căn cứ vào biên bản tố tụng hành chính, MSeafood đã nhập khẩu tôm đông lạnh có xuất xứ từ Ấn Độ để sử dụng trong chế biến tôm đông lạnh tại các cơ sở sản xuất của mình.

    Cũng theo CBP, thông báo được đưa ra sau một cuộc điều tra được thực hiện bởi đơn vị này. Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi Minh Phú từ Việt Nam đến Hoa Kỳ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.

    Với những lô nhập trước phù hợp với các biện pháp tạm thời trước đó, CBP sẽ điều chỉnh thuế suất, tiếp tục đình chỉ cho đến khi có hướng dẫn giải quyết.

    Trước những thông báo của CBP, trong thông cáo báo chí hôm 22/10, Tập đoàn Minh Phú cho rằng, quyết định trên của CBP là một bất ngờ lớn đối với phía công ty.

    Minh Phú cũng khẳng định đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra và chứng minh rõ cách mà doanh nghiệp này xử lý, tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, để đảm bảo rằng chỉ có tôm Việt Nam mới được xuất đi Hoa Kỳ.

    Phía Minh Phú cho rằng quyết định của CBP đã dựa trên yêu cầu không hợp lý đối với hệ thống của Minh Phú và không dựa trên các bằng chứng thuyết phục, đồng thời doanh nghiệp này sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định này của CBP.

    Trong trường hợp việc kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, Minh Phú sẽ tiếp tực kháng cáo lên Toà án Thương mại Quốc Tế.

    Những "lùm xùm" xung quanh việc xuất khẩu tôm của Minh Phú, dư luận không khỏi tò mò về tình hình tài chính của Tập đoàn này.

    Theo Báo cáo tài chính công ty mẹ quý III/2020, lũy kế trong 9 tháng, doanh thu thuần của Minh Phú đạt 6.618 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 567,3 tỷ đồng.

    Chỉ tính riêng trong quý III/2020, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.781 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 244,5 tỷ đồng.

    Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của MPG tăng đáng kể ở mức 61,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 21,3 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính giảm 63% xuống còn 16 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý III đạt 166 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Tính tới ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Minh Phú đạt hơn 8.263 tỷ đồng, tăng 1.440 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các hạng mục phải thu khách hàng tăng 547 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 460 tỷ đồng.

    Nợ vay của Minh Phú tại thời điểm cuối quý 3 là gần 2.911 tỷ đồng, trong đó, đa số đều là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức gần 1.892 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với đầu năm.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mseafood-doi-mat-voi-ket-luan-tron-thue-cua-cbp-tap-doan-minh-phu-dang-lam-an-ra-sao-a343720.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan