+Aa-
    Zalo

    Mỹ kết luận MSeafood pha trộn tôm Ấn Độ và Việt Nam để tránh thuế CBPG: Tập đoàn Minh Phú nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông báo của CBP khẳng định đã có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood pha trộn tôm Ấn Độ và Việt Nam để tránh thuế CBPG.

    Trước thông báo khẳng định đã có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood pha trộn tôm Ấn Độ và Việt Nam để tránh thuế CBPG của Mỹ, Tập đoàn Minh Phú cho rằng quyết định của CBP đã dựa trên yêu cầu không hợp lý đối với hệ thống của Minh Phú và không dựa trên các bằng chứng thuyết phục.

    Tập đoàn Minh Phú cho rằng những kết luận của CBP chưa khách quan, toàn diện. Ảnh minh họa

    Ngày 13/10, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đưa ra thông báo khẳng định đã có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (MSeafood)- một chi nhánh của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế CBPG của Mỹ.

    Thông báo của cơ quan này kết luận rằng, căn cứ vào biên bản tố tụng hành chính, MSeafood đã nhập khẩu tôm đông lạnh có xuất xứ từ Ấn Độ để sử dụng trong chế biến tôm đông lạnh tại các cơ sở sản xuất của mình.

    "Mặc dù MSeafood tuyên bố rằng tất cả tôm Ấn Độ được sử dụng là để bán cho các thị trường khác ngoài Mỹ nhưng bằng chứng chỉ ra rằng nó đã trộn lẫn với tôm có xuất xứ Việt Nam để tránh thuế CBPG", CBP cho biết.

    Cũng theo CBP, thông báo này được đưa ra sau một cuộc điều tra được thực hiện bởi đơn vị này. Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi Minh Phú từ Việt Nam đến Hoa Kỳ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.

    Với những lô nhập trước phù hợp với các biện pháp tạm thời trước đó, CBP sẽ điều chỉnh thuế suất, tiếp tục đình chỉ cho đến khi có hướng dẫn giải quyết.

    Cuối cùng, CBP sẽ tiếp tục đánh giá liên tục cam kết của MSeafood xem có phù hợp với chính sách của CBP hay không, tiếp tục yêu cầu các cam kết giao dịch đơn lẻ phù hợp. Đồng thời, CPB và các cơ quan khác vẫn có thể có thêm động thái hoặc hình phạt bổ sung.

    Trước những thông báo của CBP, trong thông cáo báo chí hôm 22/10, Tập đoàn Minh Phú cho rằng, quyết định trên của CBP là một bất ngờ lớn đối với phía công ty.

    Minh Phú cũng khẳng định đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra và chứng minh rõ cách mà doanh nghiệp này xử lý, tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, để đảm bảo rằng chỉ có tôm Việt Nam mới được xuất đi Hoa Kỳ.

    Theo ban lãnh đạo Minh Phú, phía công ty đã chủ động hợp tác và có lời mời, nhưng CBP đã không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa, dẫn đến việc nhận định chưa chính xác về hệ thống truy xuất tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu Việt Nam của Minh Phú.

    CBP đã tự thiết lập một tiêu chuẩn đánh giá riêng của họ về phương pháp phân tách tôm, đồng thời không chấp nhận phương pháp quản lý truy xuất nguồn gốc mà Minh Phú đã và đang sử dụng từ hơn 4 năm qua.

    Cũng theo phía Minh Phú, phương pháp phân tách và truy xuất nguồn gốc của Minh Phú đã được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Khí Quyển và Đại dương Quốc Gia (NOAA), trực thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ, dựa trên các yêu cầu của cơ quan này đối với chương trình giám sát nguồn gốc xuất xứ tôm nhập khẩu (SIMP)

    Vì những lẽ đó, phía Minh Phú cho rằng quyết định của CBP đã dựa trên yêu cầu không hợp lý đối với hệ thống của Minh Phú và không dựa trên các bằng chứng thuyết phục, đồng thời doanh nghiệp này sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định này của CBP.

    Trong trường hợp việc kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, Minh Phú sẽ tiếp tực kháng cáo lên Toà án Thương mại Quốc Tế.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-ket-luan-mseafood-pha-tron-tom-an-do-va-viet-nam-de-tranh-thue-cbpg-tap-doan-minh-phu-noi-gi-a343481.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan