VietNamNet dẫn lời ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh - Trường Đại học Công Thương TP.HCM cho hay, năm 2025, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT chiếm 50% - 60% tổng chỉ tiêu, tương đương với năm 2024. Việc xét tuyển bằng học bạ lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 sẽ giảm xuống còn 15% - 20% tổng chỉ tiêu. Ngoài ra, nhà trường thực hiện xét tuyển thẳng, xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Về các môn trong tổ hợp xét tuyển, bắt buộc có môn Toán cho tất cả các ngành (trừ ngành Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc xét tuyển môn chính là Ngữ văn).
Hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển nhà trường đang nghiên cứu kỹ về chương trình lớp 10, 11 và 12 để chọn lựa. Ngoài ra nhà trường cũng dự kiến sẽ đưa môn Tin học vào trong các khối xét tuyển các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu.
Trường cũng xem xét quy đổi chứng chỉ IELTS, TOIEC, TOEFL, Aptis, B1, Linguaskill thành điểm môn Tiếng Anh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được thay đổi để phù hợp với lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thí sinh thi 4 môn thay vì 6 môn như trước. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, hai môn lựa chọn trong các môn thí sinh được học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ). Tổng cộng, có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT.
Điều được thí sinh và phụ huynh quan tâm là cách xét tuyển của các đại học như thế nào. Tuy nhiên, hiện hầu hết trường chưa đưa ra phương án cụ thể. Trước Công thương TP.HCM, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết sẽ bỏ xét học bạ vào năm tới, trong khi Nông Lâm TP.HCM giảm 10% chỉ tiêu, Đại học Ngoại thương thêm điều kiện trong xét tuyển bằng phương thức này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025 muộn nhất vào tháng 11, theo Vnexpress.