Tảo mộ hay còn được gọi là chạp mả, là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ xong, con cháu sẽ đem hương hoa, lễ vật đến và thắp hương để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng gia đình.
Đây chính là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy và giãi bầy những tâm tư, tình cảm với những người đã khuất trong một năm vừa qua.
Tảo mộ còn có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông".
Lâu dần, tảo mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Vì vậy dù có đi xa nhưng vào mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng phần mộ của người đã khuất.
Theo quan niệm xưa, khi đi tảo mộ, mỗi người cần lưu ý những điều sau để mọi việc được hanh thông thuận lợi
1. Không nên đi cúng tế ở nơi hẻo lánh, tốt nhất nên đi những con đường mà mọi người hay đi để tránh gặp nguy hiểm nhất là người yếu bóng vía, người huyết áp thấp. Hơn nữa, theo quan niệm phong thủy, đi đến những nơi như vậy sẽ dễ nhiễm tà khí, nếu như thật sự cần đi thì nên đi cùng nhiều người.
2. Khi đi cúng tế và tảo mộ cần phải chân thành, trên đường đi nếu có mộ, dù đi hay đứng lại đều cần phải lễ độ cung kính. Trong quá trình tảo mộ không nên làm lộn xộn quá nhiều các mảnh đất vụn đá vụn để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
3. Mộ phần của tổ tiên cần phải được quét dọn cỏ dại, thêm đất mới và hoa tươi, đừng quên quét dọn cả phía sau mộ. Khi làm mới lại diện mạo của mộ phần, trong lòng nhất thiết phải thật cung kính.
4. Khi tảo mộ, không nên giẫm đạp lên mộ của nhà khác hoặc đá vào đồ cúng trên mộ của người khác, nếu không sẽ đem lại điều không may cho bản thân. Đặc biệt là những trẻ vị thành niên lại càng cần phải chú ý.
5. Nếu như con gái đi tảo mộ, tốt nhất là tránh trong thời kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ có thai cũng không nên đi tảo mộ. Người đang bị nhiễm phong hàn, đau nhức xương khớp không nên ra mộ, nên vái vọng.
6. Những bạn có khí chất yếu, tốt nhất là khi về nhà bước qua chậu lửa. Nam 7 lần và nữ 9 lần hoặc rắc nước lá bưởi để xóa bỏ năng lượng xấu, hàn khí.
7. Tảo mộ là khoảng thời gian người thân tụ tập lại với nhau, lúc này cần chú ý không được chụp ảnh tập thể ở xung quanh mộ.
8. Khi tảo mộ, cần chú ý sửa sang bốn phía của ngôi mộ. Thứ nhất là để tỏ lòng kính trọng với những người đã khuất, thứ hai là để xem xét tình hình của mộ. Nếu như xung quanh mộ có nước (nước có thể vào bên trong hoặc vũng nước rất sát mộ) sẽ có ảnh hưởng không tốt cho vận thế của của người đời sau.
Cách sắm lễ tảo mộ tiết Thanh Minh
Lễ trong tiết Thanh Minh gồm có: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu thịt (chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc độ vài lạng), hoa quả.
Khi đến nghĩa trang hay khu vực có để mộ phần của gia đình mình thì gia chủ đặt lễ vào chỗ thờ chung. Sau đó thắp đèn, nhang, vái ba vái vị Linh thần Thổ địa rồi khấn.
Có sẵn nhiều bài văn khấn được xuất bản thành sách công khai. Nếu viết văn khấn ra giấy thì đọc, xong hoá ngay cùng tiền vàng. Tuy nhiên, khấn nguyện cần nhất sự thành tâm.
Nội dung khấn không nên cứng nhắc, đại ý thỉnh nguyện chư vị mười phương, chư vị hộ trì, thần linh thổ địa, cửu huyền thất tổ, nội ngoại hai bên.
Nguyện thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, hương thơm kính dâng trước mộ, kính mời chân linh... lai lâm hiến hưởng.
Nguyện xin phép được sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ, cho được dầy bền, tu sửa minh đường hậu quỷ cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật Thánh phù trì, đội đức trời che đất chở, cảm niệm Thần linh phù độ, khiến cho được chữ bình an, âm siêu dương thái…
Nguyện cho gia chung, cùng tất cả chúng dân được an lành, đất nước được bình an.
Sau khi khấn xong, đợi hết 2/3 tuần hương thì lễ tạ các nơi, hóa vàng và trở về nhà làm lễ gia tiên ở nhà.
Linh Chi (T/h)