+Aa-
    Zalo

    Sắm lễ và hành lễ trong tiết Thanh minh như thế nào là đúng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong ngày tiết Thanh minh phải cúng lễ tại hai nơi là tại gia đình và tại các ngôi mộ. Lễ trong tiết Thanh Minh có thể là lễ chay hoặc lễ mặn đều được.

    Trong ngày tiết Thanh minh phải cúng lễ tại hai nơi là tại gia đình và tại các ngôi mộ. Lễ trong tiết Thanh Minh có thể là lễ chay hoặc lễ mặn đều được.

    Tiết Thanh minh là một ngày lễ cổ truyền và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây là ngày mà mọi người tưởng nhớ tới tổ tiên, ông bà và những người đã khuất trong gia đình. Hoạt động chính trong ngày chính là lễ tảo mộ. Những người trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của những người đã mất.

    Ông bà ta xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ). Vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.

    Trong ngày tiết Thanh minh phải cúng lễ tại hai nơi là tại gia đình và tại các ngôi mộ. Khi đến những nơi có đặt mộ phần của gia đình mình, các gia chủ đặt lễ vào chỗ thờ chung để lễ. Nếu nơi đó không phải là nghĩa trang, không có chỗ thờ thì có thể dùng các thứ đôn, kệ để đặt đồ lễ mà cúng vái.

    Lễ trong tiết Thanh minh là lễ chay hay lễ mặn đều được.

    Sắm lễ và hành lễ tiết Thanh minh:

    Lễ trong tiết Thanh Minh gồm có: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu thịt (chân giò, gà luộc hoặc một khoanh giò nạc độ vài lạng), hoa quả.

    Khi đến nghĩa trang hay khu vực có để mộ phần của gia đình mình thì gia chủ đặt lễ vào chỗ thờ chung. Sau đó thắp đèn, nhang, vái ba vái vị Linh thần Thổ địa rồi khấn.

    Bắt đầu vào lễ, gia chủ thắp hương, đèn và khấn theo bài cúng lễ Thanh minh. Sau đó, trong lúc chờ hương tàn thì gia chủ đi đến phần mộ của gia tiên thắp hương và khấn gia tiên để xin phép tu sửa, dọn dẹp cho phần mộ. Lưu ý là số nén hương thì thắp số lẻ (1 hoặc 3 nén) vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm còn đèn thì mang theo hai đèn hoặc 2 cây nến vì thắp lên, 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.

    Sau khi hoàn tất các việc, gia chủ chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ , hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu gia chủ viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng.

    Việc cúng gia tiên trong tiết thanh minh cũng tuân theo thể thức cúng gia tiên thông thường. Thể thức này, theo sách Phong tục thờ cúng của người Việt thì có những nguyên tắc chung là: dâng hương lễ gia thần trước, gia tiên sau.

    Các vật phẩm dâng hương có thể là lễ chay hoặc lễ mặn (các gia đình thờ Phật thì chỉ dâng lễ chay). Các lễ vật gồm: hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ vật đặt trên bàn có thể chung nhưng nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương cả. Số hương trong từng bát cũng là những số lẻ (1 hoặc 3 nén). Sau khi hương cháy gần hết thì gia chủ lại thắp thêm một tuần hương nữa rồi xin phép tổ tiên hóa vàng. Tiền vàng khi đã cháy thành tro thì lấy một chén rượu cúng rẩy vào đám tro đó.

    Trong khi hành lễ cúng gia thần, gia tiên đều có hai hình thức là vái và lễ. Vái thì các ngón tay đan vào nhau còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở ngang trước ngực. Vái hay lễ đều chỉ được thực hiện sau khi lễ vật đã đặt lên bàn thờ và đèn nhang đã thắp. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang chán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương. Sau đó người lễ khấn theo bài cúng gia tiên. Khấn xong vái ba vái rồi chờ hương cháy gần hết mới hóa vàng.

    Về vấn đề lễ chay hay lễ mặn, ngày nay có những quan niệm khuyên nên cúng bằng lễ chay vì như vậy là không sát sinh nên vong hồn tổ tiên dễ siêu thoát. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong.

    Việc cúng gia tiên trong tiết thanh minh cũng tuân theo thể thức cúng gia tiên thông thường.

    Bài văn khấn Lễ âm phần long mạch, sơn thần thổ phủ

    Nam mô a di Đà Phật

    – Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

    – Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ, chư vị Tôn thần:

    – Con kính lạy các ngài Thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.

    Hôm nay là ngày: …………………………………………………

    Tín chủ (chúng) con là:……………………………………….

    Nhân tiết Thanh minh (hoặc là nhân tiết thu, tiết đông, hoặc nhân ngày lành tháng tốt.. .) tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước án, kính mời chư vị Tôn thần lai lâm chiếu giám.

    Gia đình chúng con có ngôi mộ của…………………..

    Táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp (hoặc tảo mộ, bốc mộ…) vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng Thần linh, Thổ công, Thổ phủ Long Mạch, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ và Chư vị Tôn thần cai quản trong khu vực này, chúng con kính mời các vị chư Thần về đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát. Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con toàn gia mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thái bình.

    Nam mô a di Đà Phật

    Bài văn khấn Lễ vong linh ngoài mộ

    Nếu viết văn khấn ra giấy thì đọc, xong hoá ngay cùng tiền vàng. Trong khi đợi tuần nhang thổ địa thì mọi người trong gia đình đi viếng thăm các ngôi mộ của gia đình mình, thắp lên mộ mấy nén. Đứng trước ngôi mộ và khấn:

    -Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

    -Con Kính lạy Hương linh………………(Hiển khảo, Hiển tỷ hoặc Tổ Khảo………….

    Hôm nay là ngày. . ………….

    Nhân tiết:………………………….

    Tín chủ (chúng) con ……………………………

    Ngụ tại:…………………….

    Chúng con và tòan thể gia đình con cháu, nhờ công ơn võng cực, nền đức cao dầy, gây dựng cơ nghiệp của………….. chạnh lòng nghĩ đến âm phần ở nơi hoang vắng, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước mộ, kính mời chân linh……. . .. …….. . …. . . .lai lâm hiến hưởng. Chúng con xin phép được sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ, cho được dầy bền, tu sửa minh đường hậu quỷ cho thêm vững chắc. Nhờ ơn Phật Thánh phù trì, đội đức trời che đất chở, cảm niệm Thần linh phù độ, khiến cho được chữ bình an, âm siêu dương thái. Con cháu chúng con xin vì chân linh . . ……..Phát nguyện tích đức tu nhân, làm duyên, làm phúc cúng dâng Tin Bảo, giúp đỡ cô nhi quả phụ, tế bần cứu nạn, hiếu thuận tông nhân để lấy phúc này hướng về Tiên Tổ.

    Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì con cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều dữ xua đi. Độ cho gia đạo hưng long, quế hờ tươi tốt, cháu con vinh hưởng lộc trời, già trẻ nhuần ơn Phật Thánh.

    Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám.

    Sau khi khấn xong, đợi hết 2/3 tuần hương thì đi lễ tạ các nơi, hóa vàng, xin lộc và mọi người trở về nhà làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sam-le-va-hanh-le-trong-tiet-thanh-minh-nhu-the-nao-la-dung-a225052.html
    Sự kiện: Tết Thanh Minh
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tết Thanh Minh năm 2018 vào ngày nào?

    Tết Thanh Minh năm 2018 vào ngày nào?

    Tết Thanh Minh là ngày nào trong năm không phải ai cũng biết. Vào tiết Thanh minh người dân thường đi tảo mộ để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất.