Bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng cả năm 2023 dần lộ diện khi một số nhà băng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, mã chứng khoán: SGB) gây bất ngờ khi báo lãi cao kỷ lục, tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong 3 tháng cuối năm, SaigonBank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 84,1 tỷ đồng, gấp 93 lần kết quả đạt được vào quý IV/2022.
Nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận trước thuế trong kỳ của SaigonBank tăng đột biến là do lãi thuần từ hoạt động khác vọt lên 168 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận 13 tỷ đồng. Trong thuyết minh của báo cáo tài chính, SaigonBank không giải thích rõ khoản thu nhập này đến từ đâu.
Ngoài ra, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần cũng tăng 4,7% đạt mức 221,6 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 8,2 tỷ đồng lên 10,3 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm từ 16 tỷ xuống còn 9 tỷ đồng. Ngân hàng không ghi nhận các khoản lãi từ hoạt động chứng khoán và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần.
Tổng chi phí hoạt động của nhà băng này trong quý IV/2023 giảm gần 22% so với quý cùng kỳ năm trước, xuống gần 157 tỷ đồng. Ngân hàng tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 168,2 tỷ đồng (tăng 245%).
Kết thúc quý IV/2023, trừ đi các chi phí và thuế, SaigonBank thu về gần 67 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 80 lần cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần nhích lên 891 tỷ đồng. Chi phí hoạt động không thay đổi nhiều và chi phí dự phòng chỉ tăng 7,4% .
Năm 2023, SaigonBank báo lãi trước thuế tăng 40,2%, đạt 332,2 tỷ đồng, hoàn thành 110,7% kế hoạch cả năm.
Tại ngày 31/12/2023, quy mô tài sản của SaigonBank đạt 31.501 tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng là 19.967 tỷ đồng (tăng 6,7%).
Tiền gửi khách hàng của Saigonbank tăng trưởng 14,9% trong năm 2023 đạt 23.557 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 7,4%. Nợ phải trả tăng lên 27.431 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tính đến cuối quý IV/2023, số dư nợ xấu nội bảng của SaigonBank chỉ tăng nhẹ 1,7% so với đầu năm, giúp cho tỷ lệ nợ xấu tại Saigonbank giảm từ 2,1% xuống còn 2,01%, là mức thấp nhất kể từ quý II/2022 đến hiện tại.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) có vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng, ở nhóm thấp nhất trong các ngân hàng thương mại. Trong năm 2024, Saigonbank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức 10% cho cổ đông hiện hữu được Đại hội đồng cổ đông của Saigonbank thông qua.
Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.388 tỷ đồng.
Vân Anh