Nhiều người trong ngành khẳng định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là hợp lý, tránh độc quyền sách. Mặc dù đã có chủ trương tuy nhiên việc triển khai thực hiện dường như vẫn... giậm chân tại chỗ.
“Loạn” sách
Tại phiên thảo luận về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 12/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, băn khoăn lớn nhất của bà về luật này là về sách giáo khoa. “Nghị quyết 88 nêu rõ định hướng “thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa. Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Nghị quyết 29 của Trung ương thì không nói cụ thể như vậy. Không thể phê phán ban soạn thảo và Chính phủ thoát lý Nghị quyết, định hướng nhưng làm thế nào phải phù hợp thực tế. Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí, có đáng không?” – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Từng bày tỏ quan điểm của mình về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được Quốc hội thông qua, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết một chương trình - nhiều bộ SGK đã trở thành thông lệ quốc tế, nhằm tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông cũng cho hay, mong muốn của những người làm chương trình là các nhà xuất bản cạnh tranh lành mạnh để đem đến cho người học bộ sách giáo khoa chất lượng. Tuy nhiên, chuyện “dìm hàng” nhau, cạnh tranh thiếu lành mạnh là khó tránh.
Giáo sư Thuyết cũng nhấn mạnh, quyền lựa chọn sử dụng sách giáo khoa nào là của các nhà trường, trên cơ sở ý kiến của tổ chuyên môn. Sở Giáo dục, UBND các tỉnh, cá nhân hiệu trưởng nhà trường, không có quyền đưa ra quyết định này.
Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về việc ở thời điểm hiện tại có nên quyết tâm làm một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa hay không? Trước những băn khoăn này, trao đổi với PV báo ĐS&PL GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam đánh giá: “Ai cũng thấy, ra được một bộ sách giáo khoa do Nhà nước đầu tư đã là khó. Tuy nhiên, có thể cùng lúc ra nhiều bộ sách giáo khoa thì không có tổ chức nào ngoài hệ thống hiện nay đang chuẩn bị”.
Ông Dong nhắc lại: “Mới đây, về thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nêu rõ bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội giao và tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành.
Đó là bộ sách giáo khoa theo chủ trương của Nhà nước, nguồn kinh phí của Nhà nước nên phải thực hiện bằng được, thì mới tính đến phát triển thêm các bộ sách khác. Các bộ sách giáo khoa đâu phải cứ thích là viết được, thực sự không đủ sức viết và cũng không có tiền để thực hiện. Trong cuộc cải cách giáo dục lần trước, tôi cũng có tham gia nên hiểu được sự tốn kém và công phu như thế nào. Hơn nữa, nếu mỗi địa phương có một bộ sách giáo khoa thì dẫn đến “loạn” mất.
Với chủ trương “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” thì đó là xu hướng chung. Nhưng trước hết, phải làm bằng được bộ sách mà xã hội trông mong, đánh giá nó thực sự chất lượng, đồng thời cải cách phương pháp để truyền tải nội dung đạt chất lượng. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin rất cần thiết trong việc truyền tải sách giáo khoa, cần ứng dụng thêm công cụ mới để khai thác thông tin”, GS.TS Phạm Tất Dong phân tích.
ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, cần phải có khung, có tiêu chuẩn cho một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. |
Phải có khung, tiêu chuẩn rõ ràng
Cũng bày tỏ quan điểm của mình về chương trình sách giáo khoa mới, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Một chương trình nhiều bộ sách giá khoa, trước hết, cần hiểu là vẫn có một bộ sách giáo khoa chính thống nhưng bên cạnh đó sẽ bổ sung thêm nhiều bộ sách giáo khoa phụ với mục đích tham khảo, không bó hẹp chương trình và khuôn khổ học tập.
Theo đó, chương trình đào tạo vẫn có một khuôn khổ sách giáo khoa theo quy định nhưng cho phép mở rộng hơn. Để xóa đi những băn khoăn trên, khi đổi mới chương trình sách giáo khoa, phải làm rõ vấn đề này, đồng ý cho phép có nhiều bộ sách nhưng phải có khung, có tiêu chuẩn, nếu cứ để “mạnh ai người nấy làm”, sản xuất tràn lan, giống như kinh doanh sách thì hoàn toàn không được”.
Bà Hạnh phân tích thêm: “Người dân còn băn khoăn, bởi nếu quy định và kiểm soát không chặt chẽ sẽ dễ bị lạm dụng, một chương trình học mà sản xuất quá nhiều loại sách, cùng một chương trình giáo dục mà không biết học bộ sách nào. Phụ huynh và học sinh sẽ hoang mang khi “bơi” giữa “biển” sách giáo khoa, không biết chọn bộ nào học chính bộ nào tham khảo.
Hơn nữa, sách không qua kiểm duyệt thì chất lượng sách có đảm bảo không? Nếu viết tràn lan không chất lượng, nhiều quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề thì sẽ gây nhiễu loạn thông tin”.
ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: “Đưa ra chương trình như vậy để triển khai trên toàn quốc thì cần làm rõ chủ trương, có quy định chặt chẽ rõ ràng. Khi thay đổi chương trình giáo dục truyền thống trước nay, vốn thống nhất từ trên xuống dưới, nay nghe có sự thay đổi “mở” như vậy, dư luận cũng hoang mang, lo các công ty, tổ chức tư nhân sẽ lợi dụng cơ hội để trục lợi, sản xuất sách.
Hiện nay, đứng trước cánh cửa hội nhập quốc tế, mở cửa đào tạo bằng nhiều cách khác nhau, vẫn cần có khung sách giáo khoa chính do bộ GD&ĐT ban hành và có tiêu chuẩn về những bộ sách bổ sung khác, người có nhu cầu sẽ tự mua, tự bổ sung thêm kiến thức, nếu không sẽ khiến dư luận chưa thực sự yên tâm về quy định đó”.
Lấy ý kiến từ những người thầy, người cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các địa phương, nhiều ý kiến của thầy cô cho rằng việc triển khai một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là hợp lý, tránh độc quyền sách.
Trao đổi với PV, thầy Tôn Sỹ Dũng (giáo viên trường THCS Võ Xán, Bình Định) bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, nên có nhiều bộ sách giáo khoa. Bởi, như bản thân tôi là người trực tiếp đứng lớp thì thời gian qua nhìn vào bộ sách mà tôi đang dạy, có những vấn đề cần thay đổi. Vấn đề đáng dành thời lượng dài thì lại cho vấn đề đó quá ít, còn những vấn đề có thể lướt qua thì thời lượng dạy lại nhiều.
Cho nên, việc phân phối thời lượng từng bài, từng phần không đạt. Tôi cũng là người đã đi qua 2 chế độ, ngày xưa trước năm 1975 tôi học có nhiều bộ sách thì thấy mỗi một bộ sách có cái hay của nó. Và vì vậy, nên quyết tâm để làm bằng được một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, còn một bộ sách thì lâu này Nhà xuất bản giáo dục độc quyền, viết không hay. Khi ra nhiều bộ sách thì các nhóm tác giả sẽ thiết lập lại những cái gì tinh hoa nhất đưa vào giảng dạy”.
Cẩm Mịch- Thanh Lam
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 43