+Aa-
    Zalo

    Món bánh độc đáo không thể thiếu vào rằm tháng 7 của người Tày - Nùng

    (ĐS&PL) - “Pẻng tải” (bánh gai) là món bánh quen thuộc không thể thiếu vào ngày rằm tháng 7 của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.

    Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng 7 là một trong ba cái Tết quan trọng và lớn nhất của năm. Với bà con nơi đây, rằm tháng 7 là dịp để các thành viên gia đình trở về nhà đoàn tụ, bày lên ban thờ mâm cỗ và tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.

    Vào dịp này, đồng bào các dân tộc Tày – Nùng ở khu vực miền núi phía Đông có là tục lệ "Pây tái" (đi thăm nhà vợ) để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sức sinh thành, nuôi dạy người con gái giờ là vợ của mình. Dịp lễ cũng là dịp, là cơ hội để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, họ hàng và tình đoàn kết giữa mọi người với nhau.

    Trong dịp đi "Pây tái", trong giỏ quà mang biếu bố mẹ vợ sẽ không thể thiếu 1 con vịt và vài thếp bánh gai (pẻng tải). Theo quan niệm, bánh được xâu thành từng cặp để đeo bên người cho tiện cho nên người Tày, Nùng gọi là Pẻng tải (bánh đeo).

    mon banh doc dao khong the thieu vao ram thang 7 cua nguoi tay nung 3gif
    Theo quan niệm, bánh được xâu thành từng cặp để đeo bên người cho tiện cho nên người Tày, Nùng gọi là Pẻng tải.

    Theo người dân địa phương, bánh gai không chỉ là món truyền thống trong ngày rằm tháng 7 nơi đây mà còn ẩn chứa ý nghĩa đặc biệt, mang giá trị văn hóa sâu sắc.

    Ít ai biết được rằng, nguồn gốc thực sự của chiếc bánh này là nhằm mục đích tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Trí Cao - một anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ 11.

    Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý đào tạo, giao quyền cai quản, bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống ở phương Bắc. Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Phục Hoà (Cao Bằng), nhiều quân binh cùng Nùng Trí Cao tử trận.

    Vì thế, nhân dân thương tiếc lấy ngày 14/7 làm ngày giỗ của quân binh. Trong ngày này, người dân thường làm "pẻng tải" (người Kinh gọi là bánh gai) để cúng vong hồn binh sỹ.

    "Pẻng tải" dịch ra nguyên nghĩa là bánh đưa đường. Tương truyền, khi quân của Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.

    mon banh doc dao khong the thieu vao ram thang 7 cua nguoi tay nung 1
    "Pẻng tải" được gói bằng lá chuối, hình dẹt. Lá chuối cần được phơi nắng trước khi gói để lá mềm, dẻo, giúp bánh ngon và thơm hơn.

    Gạo để làm loại bánh này phải là loại nếp ngon, không lẫn tẻ, có vậy bánh mới mềm và dai, ăn không cứng. Nếp được ngâm chừng một buổi cho no nước, xay trong cối đá hoặc xát bằng máy thành một thứ bột đặc sánh, đựng trong túi vải, treo lên cho róc nước.

    Lá gai đã được hái về từ trước, tước bỏ gân lá, phơi khô. Lá khô đem ninh, khi đun bỏ thêm chút vôi tôi cho mau nhừ. Xong, rửa sạch, vắt khô, thái mịn. Đường phên - loại đường làm thủ công từ cây mía được thái nhỏ. Người ta nhào đường này, lá gai với bột cho đều rồi đem giã trong cối đá cho thật nhuyễn.

    Bột giã xong có màu xanh đen, mịn màng, dẻo quánh. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai quyện vào nhau thơm nức.

    "Pẻng tải" được gói bằng lá chuối, hình dẹt. Lá chuối cần được phơi nắng trước khi gói để lá mềm, dẻo, giúp bánh ngon và thơm hơn.

    Nhân bánh gai được làm bằng lạc giã nhỏ hoặc đỗ xanh trộn đường. Bánh hấp trong chõ như đồ xôi từ lúc nước sôi cho đến khi bánh chín.

    mon banh doc dao khong the thieu vao ram thang 7 cua nguoi tay nung 2
    Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch.

    Người Tày, Nùng ở Cao Bằng có một "mẹo" để biết bánh chín khá độc đáo. Đó là thắp một nén nhang khi hấp bánh. Khi nhang cháy hết cũng là lúc bánh chín.

    Khi ăn, không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng được. Phải thong thả tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu, ăn không ngấy.

    Bánh được làm và giã theo cách thủ công nên dẻo và mềm hơn so với làm bằng máy móc.

    Bánh gai có thể để nhiều ngày mà không sợ mốc. Nếu để lâu, bánh khô, người ta có thể đem nướng trên than hồng, bánh nở phồng, ăn vẫn ngon. Hoặc có thể đem rán lại cho bánh mềm, ăn có vị ngon riêng. Chính từ những món ăn, những món bánh đặc trưng của người dân tộc nơi đây đã tạo nên một nét văn hóa riêng có.

    Như Quỳnh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mon-banh-doc-dao-khong-the-thieu-vao-ram-thang-7-cua-nguoi-tay-nung-a586543.html
    Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều cần biết về Rằm tháng 7

    Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều cần biết về Rằm tháng 7

    Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày còn được gọi là Lễ Vu Lan là một trong những dịp lễ Tết quan trọng của người Việt. Đây là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều cần biết về Rằm tháng 7

    Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều cần biết về Rằm tháng 7

    Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày còn được gọi là Lễ Vu Lan là một trong những dịp lễ Tết quan trọng của người Việt. Đây là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.