Ngày 29/12 (giờ địa phương), Tổng thống Maia Sandu cho biết bà hy vọng Moldova có thể đạt đủ điều kiện và gia nhập Liên minh châu Âu trước năm 2030.
Cụ thể, bà Sandu chia sẻ: "Những gì tôi mong muốn rất tham vọng. Tôi cho rằng chúng ta cần phải trở thành thành viên EU trước thời điểm kết thúc thập kỷ này".
Trước đó, EU đã cấp tư cách ứng viên khối cho Moldova cùng với nước láng giềng Ukraine vào tháng 6/2022. Diễn biến này được xem là một thắng lợi ngoại giao của bà Sandu, người đang dẫn dắt một trong những quốc gia châu Âu nghèo nhất và đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế và các cuộc khủng hoảng.
Việc gia nhập EU là một quá trình dài và phức tạp, đòi phải phải đưa luật pháp nước này vào sự thống nhất chung của khối. Ông Dumitru Alaiba, tân Bộ trưởng Kinh tế của Moldova, hồi đầu tháng cho biết ông đang vạch ra các cải cách dài hạn và sẽ cắt giảm bộ máy quan liêu để đặt nền móng cho một nền kinh tế thân thiện với doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU.
Ông cho biết các ưu tiên của ông sẽ bao gồm việc bãi bỏ quy định đối với nền kinh tế và cải tổ hệ thống thuế "cồng kềnh" đã ngăn cản các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho tham nhũng và làm giảm doanh thu.
Moldova đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga khi nước này đối phó với tình trạng cắt điện một phần do các cuộc tấn công của Moscow vào cơ sở hạ tầng điện của nước láng giềng Ukraine. Quốc gia châu Âu này cũng phải đối mặt với các cuộc biểu tình khi lạm phát tăng vọt.
Trong một dấu hiệu tiến triển hôm 28/12, công ty tiện ích nhà nước Moldova Energocom đã công bố một thỏa thuận cho phép Nhà máy điện hạt nhân của Romania cung cấp đủ năng lượng bù đắp 80% lượng điện thiếu hụt vào tháng 1/2023.
Minh Hạnh (Theo Reuters)