+Aa-
    Zalo

    Kinh tế Moldova ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột Ukraine

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mất điện, tên lửa đi lạc và lạm phát 35% - những ảnh hưởng từ xung đột Ukraine đã khiến quốc gia láng giềng Moldova rơi vào cảnh khủng hoảng.

    Là quốc gia láng giềng của Ukraine, Moldova đang phải hứng chịu những ảnh hưởng về mặt kinh tế từ cuộc xung đột hiện nay. Carolina Untilă, nhân viên một cửa hàng ở góc phố ở ngoại ô Thủ đô Chișinău (Moldova), chia sẻ: "Tôi đã trông thấy nhiều người lớn tuổi đứng khóc bên ngoài cửa hàng. Không chỉ vì họ không đủ tiền mua những thứ như xúc xích mà họ thậm chí không thể chi trả những thứ cơ bản như sữa".

    Sự phụ thuộc của Moldova vào nhập khẩu năng lượng đang khiến lạm phát tăng cao kỷ lục. Giá một số sản phẩm đã tăng gấp đôi. Untilă cho biết trong cửa hàng của cô ấy, doanh số bán hàng tạp hóa đã giảm một nửa do tình trạng này.

    Ông Ion Istrati, 72 tuổi, đến từ Borogani, nói: "Lương hưu của tôi đã cạn kiệt, tôi có thể tiết kiệm được gì? Toàn bộ số tiền đó đều chi trả cho tiền thuốc men và thực phẩm".

    Trước cảnh hóa đơn tiền điện tăng cao gấp 6 lần so với năm ngoái, ông Istrati đã phải nộp đơn xin chính phủ hỗ trợ. Ông chia sẻ: "Nếu không nhận được sự hỗ trợ, mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn".

    Theo các cuộc thăm dò dư luận, hơn 40% người Moldova đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cơ bản. Trong khi đó, hơn 21% người dân thậm chí không đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu cơ bản, tối thiểu.

    tong thong moldova
    Tổng thống Moldova Maia Sandu phát biểu trước các nước châu Âu. Ảnh: EP 

    Để giảm bớt gánh nặng của mùa đông, Moldova đã phải nhờ đến các đối tác phương Tây để được hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Công ty khí đốt nhà nước Gazprom của Nga đã cắt giảm nguồn cung nhiên liệu cho Moldova vào tháng 10, trong khi việc phụ thuộc vào hệ thống điện của Ukraine đã khiến nước này trở thành nạn nhân gián tiếp của bạo lực, khi Kiev ngừng xuất khẩu điện sang Moldova sau cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

    Bộ trưởng phụ trách các vấn đề đối ngoại của Moldova, Nicu Popescu, ước tính rằng việc tìm nguồn cung cấp năng lượng thay thế cho mùa đông sẽ tiêu tốn hơn 1 tỷ Euro. Cho đến nay, chính phủ đã huy động được 1/3 số tiền từ các đối tác EU.

    Các bộ trưởng nhận thức sâu sắc rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang mang lại rủi ro chính trị và địa chính trị cho đất nước 2,5 triệu dân này. Nhà phân tích chính trị Igor Boțan cho biết: "Chính phủ đang cố gắng đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng của chúng tôi và nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác phương Tây".

    Một số chính trị gia đối lập, đặc biệt là trong đảng Șor, đã đổ lỗi cho chính phủ về khó khăn kinh tế và cho rằng các điều kiện đòi hỏi nước này xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

    Dưới sự quản lý của Tổng thống thân phương Tây, Maia Sandu, Moldova đã nộp đơn xin và được cấp tư cách ứng cử viên của EU. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò vào tháng 11 cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với việc gia nhập EU đã giảm xuống. Trong đó, chỉ khoảng 50% người Moldova nói rằng họ ủng hộ việc Moldova gia nhập EU, con số này đã giảm từ 65% vào mùa hè năm 2021.

    Ana, một công dân 34 tuổi, chia sẻ: "Chúng ta nên giữ thái độ trung lập. Sản phẩm của chúng tôi từng được xuất sang Nga, khí đốt và điện khi đó cũng rẻ hơn".

    Tuy nhiên, kể từ khi xung đột nổ ra, Moldova đã công khai lên án chiến dịch quân sự của Nga ở nước láng giềng Ukraine. Hiện nay, chỉ khoảng 60% hàng xuất khẩu của Moldova hiện được đưa sang EU và chỉ 10% sang Nga.

    Minh Hạnh (Theo Guardian) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-te-moldova-anh-huong-nang-ne-boi-xung-dot-ukraine-a560294.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan