Trả lời phỏng vấn của tờ The Wall Street Journal mới đây, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Moderna của Mỹ, ông Ste’phane Bancel cho biết nếu được các cơ quan quản lý Mỹ cho phép, Moderna sẵn sàng cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi từ tháng 6 năm nay.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ dự kiến sẽ tiến hành cuộc họp trong tháng 6 để xem xét đề nghị của Moderna về việc cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Ông Ste’phane Bancel hy vọng cuộc họp sẽ diễn ra đầu tháng 6 và nếu được phép thì Moderna sẵn sàng sản xuất và chuyển vaccine đến các hiệu thuốc và phòng khám nhi.
Hiện nay, trẻ em dưới 5 tuổi của Mỹ chưa được phê duyệt sử dụng vaccine phòng COVID-19. Do đó, nếu FDA cấp phép cho vaccine của Moderna thì đây sẽ là lần đầu tiên các phụ huynh ở Mỹ có thể cho trẻ dưới 5 tuổi đi tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.
Tháng 3 vừa qua, Moderna thông báo kết quả cuộc thử nghiệm, cho thấy việc tiêm hai mũi đảm bảo an toàn và tạo miễn dịch mạnh.
Đặc biệt hai mũi với lượng 25 microgram cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ trước độ tuổi đến trường cũng tạo mức kháng thể tương đương với hai mũi lượng 100 microgram tiêm cho thanh niên từ 18-25 tuổi, chứng tỏ mức độ bảo vệ tương đương chống nguy cơ bệnh trở nặng.
Cuộc thử nghiệm trên liên quan đến 4.200 trẻ từ 2-6 tuổi và 2.500 trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi. Các tác dụng phụ chủ yếu ở mức nhẹ và tương tự như ở các nhóm tuổi lớn hơn.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/5, viện nghiên cứu Burnet, có trụ sở tại thành phố Melbourne (bang Victoria) của Australia, công bố dự án hợp tác với Công ty Moderna nhằm tạo ra ba loại vaccine mới, bao gồm vaccine ngừa COVID-19 có thời hạn kéo dài hơn và hiệu quả hơn đối với các loại biến thể khác nhau của virus SAR-CoV-2, vaccine ngừa bệnh sốt rét và vaccine chống lại căn bệnh viêm gan C.
Giám đốc điều hành Viện Burnet, Giáo sư Brendan Crabb, cho biết, thông qua hợp tác với một trong những công ty dược phẩm hàng đầu thế giới, các nhà khoa học tại Burnet sẽ có khả năng đưa các nghiên cứu tiên tiến của họ, đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ, tạo thành vaccine và sẵn sàng thử nghiệm để áp dụng vào thực tế đời sống.
Giáo sư Crabb nói mặc dù “thế hệ đầu tiên” của vaccine ngừa COVID-19, sử dụng công nghệ mRNA, đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc hạn chế bệnh tăng nặng hơn, cũng như giảm thiểu con số tử vong do nhiễm virus, nhưng chúng lại không có tác dụng nhiều trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus, khi các loại biến thể mới xuất hiện. Điều này thúc đẩy một “cuộc đua” toàn cầu, để tạo ra “thế hệ thứ hai” của vaccine ngừa COVID-19.
Mộc Miên (T/h)